dẫn ra rất nhiều cố sự cùng danh ngôn để làm chứng cứ. Do đó, ngoài giá
trị về phương diện mà người Pháp gọi là Culture humaine (ta thường dịch
ra là Học làm người), tác phẩm còn có một giá trị lớn hơn nhiều về
phương diện nghệ thuật, văn hóa. Đọc nó ta nhìn được tổng quát cả nhân
sinh quan của người Trung Hoa – và của người Việt ta nữa – và những bạn
trẻ thiếu căn bản về cổ học có thể có một nhận thức đại cương đúng và gần
đủ về triết học, nghệ thuật phương Đông. Cho nên theo tôi, những cuốn
khác chỉ bàn về Kĩ thuật Sống, riêng cuốn này mới xét về Nghệ thuật
Sống.
Về nguyên tắc “hợp tình hợp lí” thì tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả
nhưng về chi tiết thì tôi thấy có nhiều chỗ tác giả đi quá xa và tôi đoán
rằng nhiều độc giả cũng như tôi, mười điều trong sách chỉ tin được bốn
năm điều.
Nhưng chính nhờ chỗ đó mà tác phẩm mới có nhiều thú vị. Tác giả đã có
lần hô hào phục hưng thuyết Tính linh (expressionnisme)
trong văn học,
chủ trương rằng “viết chỉ là để phát huy tính tình hoặc biểu diễn tâm linh”
của mình, cho nên phải cực kì thành thực, tự nhiên, rất ghét sự giả dối, tô
điểm, phải nghĩ sao viết vậy, không được giấu giếm, không sợ người cười
chê, không sợ trái với lời thánh hiền thời xưa. Vì vậy, ông coi ta như bạn
thân, đôi khi cười cợt, đùa bỡn ta nữa. Ta cần nhận ra được những chỗ đó,
để nở một nụ cười đáp lại.
Ngay cả những khi ông nghiêm trang, hăng hái đả đảo một quan niệm mà
từ xưa ta vẫn tin là đúng, thì ta cũng nên tìm hiểu ông. Vì chúng ta không
nên hẹp hòi mà nghĩ rằng chỉ có ta mới hoàn toàn nắm được chân lí. Vả lại
xét cho cùng, đọc một tác giả đồng thanh đồng khí với mình, thú tuy thú
đấy nhưng không lợi ích gì mấy; chính những tác giả chủ trương ngược với
ta mới bắt ta phải suy nghĩ, đặt lại vấn đề, mới mở mang kiến thức của ta.
Suy nghĩ kĩ rồi mà thấy chủ trương của ta vẫn đúng thì ta càng vững tin ở
mình hơn; ngược lại nếu thấy chủ trương của ta cần phải bổ khuyết thì cái