Khoa học ngày nay nên nghiên cứu các phương thuốc của Trung Hoa. Mãi
đến thế kỉ trước, Tây Y mới biết rằng gan có công dụng bổ huyết mà ở
Trung Hoa thì từ thời cổ đã cho nó là một món bổ cho các người già. Tôi
lấy làm lạ sao các đồ tể phương Tây bỏ hết cả bộ lòng, xương, tuỷ và óc
của heo, bò hay gà vịt đi, vì những bộ phận đó có nhiều chất bổ. Tuỷ là chỗ
chế tạo ra hồng huyết cầu, sao không biết dùng nó nấu một món xúp cực bổ
mà bỏ phí nó như vậy? Còn bộ lòng thì ai cũng biết rằng có nhiều vị trấp,
vừa ngon lại vừa dễ tiêu.
Tôi ưa nhiều thức ăn phương Tây, nhất là trái dưa bở. Và nếu một vị Đạo
gia mà được ăn trái bưởi thì chắc là tưởng chừng như được uống thuốc
trường sinh. Nước cà chua đáng kể là một phát minh lớn của thế kỉ hai
mươi vì người Trung Hoa cũng như người phương Tây cách đây một thế kỉ,
không cho rằng cà chua ăn được. Thức ăn nào cũng ngon cả nếu khéo nấu,
ăn ngay tại xứ sản xuất ra nó và ăn đúng mùa.
Phép nấu bếp của Âu, Mĩ rõ ràng có nhiều khuyết điểm. Họ rất tấn bộ về
món làm bánh, về các món điểm tâm, tráng miệng, ngoài ra món ăn của họ
hình như khó tiêu, vô vị, ít biến hoá. Ba tuần ở trong một lữ quán hoặc một
nhà trọ, hoặc trên một chiếc tàu, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy món thịt gà,
sườn bò, sườn cừu, thịt thăn, ăn mãi muốn ngấy lên. Họ dở nhất là về món
rau. Họ có rất ít loại rau mà chỉ biết nấu canh, nấu chín quá, mất cả màu sắc
của rau đi. Gan gà vịt được coi là một món ngon ở phương Tây, trái thận
của cừu cũng vậy; nhưng còn biết bao thức khác cũng trong những loại đó
chưa ăn thử lần nào.
Món xúp của họ không biến đổi mấy. Do hai nguyên nhân. Trước hết họ
không biết thí nghiệm, trộn các thứ rau, các thứ thịt. Nếu biết hỗn hợp, thay
đổi, chỉ cần năm sáu thức ăn như tôm khô, nấm, măng, bí, thịt bò… họ có
thể nấu được hàng trăm thứ xúp. Họ không biết ăn canh bí, mà bí nấu với
tôm khô, mùa hè ăn vào, thật tuyệt. Nguyên nhân thứ nhì là họ ít dùng cá