nhiều càng tốt, những đường thẳng của tường phải cắt bằng những chỗ nhô
ra. Nhà máy có thể cất vuông vức như một cái hộp vì cần tiện lợi trước hết.
Nhưng nhà ở mà như vậy thì coi sao được. Một văn nhân Trung Hoa đã tả
một ngôi nhà lí tưởng như sau:
“Bước qua khỏi cổng là tới một lối đi, lối đi nên khuất khúc. Tới khúc quẹo
của lối đi một bức bình phong, bình phong nên nhỏ. Sau bình phong là một
cái sân, sân nên phẳng. Ở bên cái sân có hoa, hoa nên tươi. Sau dẫy hoa có
bức tường, tường nên thấp. Gốc tường có cây thông, thông nên già. Dưới
gốc thông có đá, đá nên kì quái. Trên đá có cái đình (nhà mát), đình nên
giản phác. Sau đình có trúc, trúc nên nhỏ và thưa. Hết các bụi trúc tới nhà
ở, nhà nên u tịch. Bên nhà có đường đi, đường nên rẽ ra hai ngả. Chỗ rẽ có
cầu, cầu nên cao. Bên cầu có cây, cây nên lớn. Dưới bóng cây có cỏ, cỏ
nên xanh. Trên bãi cỏ có hào (rãnh), hào nên hẹp. Cuối hào có ngọn suối,
suối nên róc rách. Phía trên dòng suối nên có núi, núi nên cao. Chân núi
có cái trang, trang nên vuông vắn. Một bên cái trang có vườn rau, vườn
nên rộng. Trong vườn có hạc, hạc phải múa. Hạc báo có khách tới, khách
không phàm tục. Khách tới bày rượu, khách không được từ chối; uống
rượu rồi say, khách say mà không đòi về”.
Nhà ở nên có tích cách độc lập. Lí Lạp Ông, trong một cuốn bàn về nghệ
thuật sống, để ra mấy chương xét vấn đề nhà cửa. Trong bài tựa, ông đặc
biệt nhấn vào hai điểm “tự tại” và “độc lập tính”. Tôi cho rằng điểm “tự
tại” quan trọng hơn điểm “độc lập tính” vì nhà cửa dù rộng rãi, đẹp đẽ đến
bực nào, bao giờ cũng có một gian mà ta thích nhất, và chỉ ở trong gian đó
ta mới thấy khoan khoái; luôn luôn nó là một gian nhỏ, giản dị, thân mật.
Lí viết:
“Người ta không thể không có nhà cũng như cơ thể không thể không có áo.
Mùa hè phải mát, mùa đông phải ấm, thì nhà cũng vậy. Nhà cao vài chục
thước, rui mè nhô ra vài thước, lớn thì lớn thật, nhưng hợp với mùa hè mà