Trong một chương trên, tôi đã nói người Trung Hoa yêu đá ra sao, do đó
mà trên các bức hoạ họ rất thích vẽ đá. Nhưng điều đó chưa đủ giảng được
lòng họ yêu giả sơn. Nguyên do là vì núi đá vĩ đại, kiên cố, có tính cách
vĩnh cửu. Nó u tĩnh, không hề lay chuyển được, có cái tinh thần cương
cường bất khuất của các vị anh hùng; mà lại độc lập như các vị ẩn sĩ thoát li
được trần tục. Nó lại trường thọ, mà người Trung Hoa yêu tất cả những cái
gì trường thọ. Thứ nhất là đứng về phương diện nghệ thuật, nó có vẻ khôi
vĩ, hùng kì, tranh vanh, cổ nhã. Ngoài ra nó còn cho ta một cảm giác chon
von. Một mỏm đá cao cả trăm thước dựng đứng trên mặt đất, nhìn nó ai mà
không rùng rợn, như trước cảnh nguy hiểm, cho nên người Trung Hoa gọi
cảm giác đó là “nguy”.
Nhưng không phải ai ngày nào cũng đi chơi núi được, cho nên phải đem đá
về nhà mà chơi, do đó từ lòng yêu cảnh núi non hùng vĩ chuyển qua lòng
chơi giả sơn trong vườn. Từ đời Tống, một hoạ gia danh tiếng là Mễ Phí
viết một cuốn về phép ngắm đá. Một tác giả khác cũng đời Tống viết một
cuốn thạch phổ tả rõ ràng mấy trăm loại đá sản xuất ở mọi nơi, và dùng để
đắp giả sơn. Điều đó chứng tỏ rằng từ đời Tống người Trung Hoa đã thích
chơi giả sơn. Người chơi đá chú ý tới màu sắc, vân, mặt đá (mịn hay
không) và có khi cả tới tiếng kêu khi gõ vào đá nữa. Đá càng nhỏ, càng
phải chú ý tới cái vân và cái mặt mịn của nó. Nhiều người thu thập các loại
nghiên mực và con dấu bằng đá, thành thử nghệ thuật chơi đá càng phát
triển.
Muốn hiểu rõ tất cả những công dụng của đá trong sự trang hoàng nhà cửa,
sân vườn, thì phải nghiên cứu phép viết chữ (thư pháp) của Trung Hoa.
Phép đó chú trọng đến cái thế, cái nhịp nhàng của nét. Một khối đá cần gây
được cảm giác hùng vĩ, bất tục, nhưng các đường nét của nó cũng phải có
thế, phải nhịp nhàng nữa, phải đường đột, tự nhiên, chứ không phải là hình
tròn, hình tam giác. Lão Tử trong cuốn Đạo Đức Kinh thường xưng tán
những thứ đá quí không dục đẽo. Tuyệt nhiên không nên tô điểm thiên
nhiên, và nghệ thuật hoàn toàn nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào