được các thi nhân khen rằng chỉ có bảy chữ mà tả được hết cái đẹp của mai,
không thêm không bớt được một chữ.
Người ta yêu trúc vì cành lá nó mãnh mai, mềm mại, cho nên ưa trồng
trong vườn để hưởng thú gia đình. Vẻ đẹp của nó là cái vẻ tươi cười, ôn
hoà. Trúc càng gầy nhỏ, càng thưa thớt thì càng đẹp, nên người ta chỉ trồng
vài ba gốc thôi. Vẽ vài ba cành thôi, cũng như vẽ mai chỉ nên vẽ một cành
một. Vẽ trúc, nên vẽ một tảng đá ở bên, vì trúc và đá phối hợp đặc biệt với
nhau.
Liễu rất mau lớn, nên trồng ở bờ nước. Loài đó tượng trưng cái đẹp của phụ
nữ, cho nên Trương Trào bảo là “liễu dễ cảm lòng người”. Người đàn bà
đẹp, mảnh mai, người Trung Hoa gọi là mình liễu. Các vũ nữ bận áo rộng
để múa cho có cái vẻ cành liễu múa trước gió. Vì liễu dễ trồng nên ở Trung
Hoa nhiều nơi trồng những rặng liễu dài mấy dặm, gió nổi lên, thành những
đợt “sóng liễu”. Loài hoàng oanh và ve sầu rất ưa đậu ở cành liễu, cho nên
vẽ liễu người ta thường vẽ thêm mấy con hoàng oanh hoặc con ve. Vì vậy
trong mười cảnh đẹp ở Tây Hồ có một nơi gọi là “Liễu lãng đấu oanh”
(Trong sóng liễu oanh tranh nhau hót).
Ngoài ra còn nhiều loại cây khả ái nữa, mỗi cây có một vẻ. Đặc biệt là miền
Mộc Độc, bên bờ Thái Hồ ở Tô Châu có bốn loài bách già có tên là
“thanh”, “kì”, “cổ”, “quái”. Loài “thanh bách” thân cây đâm thẳng lên trời,
cành lá xoè ra như cái tán; loài “kì bách” nằm ngang trên đất, thân cành uốn
thành hình chữ Z; loại “cổ bách” trụi lá, đưa những cành nửa khô lên trời
như những ngón tay; loại “quái bách” từ gốc trở lên, thân vặn vẹo như trôn
ốc.
Điểm quan trọng nhất là yêu cây chẳng phải chỉ vì cây mà còn vì những vật
thiên nhiên khác như mây, đá, điểu, trùng và người. Trương Trào bảo:
“Trồng hoa để mời bướm, chất đá để mời mây, trồng tùng để mời gió…