(mất đã mười năm) viết một bài về thiên văn đăng trên báo; tất cả những
tin tức về các vụ án; và tất cả những nhà văn nào còn giữ được tánh hiếu kì
về đời sống hoặc không làm tiêu diệt cái tánh đó của chúng ta… những
người và vật đó quá đông, làm sao mà tôi kể hết cho được?
Nhờ không được đào tạo ở một trường Đại Học mà tôi thấy đỡ ngại ngùng,
sợ sệt khi viết một cuốn về triết lí. Nhận xét đời sống ở chung quanh, tôi
thấy cái gì cũng hóa ra giản dị hơn, minh bạch hơn. Tôi biết rằng các triết
gia chính thống sẽ bảo rằng lối học hỏi của tôi còn thiếu sót, rằng lối phô
diễn của tôi cộc lốc, giản dị, dễ hiểu quá, rút cục là tôi thiếu thận trọng,
bước vào trong cái ngôi đền triết lí thiêng liêng mà không biết sợ sệt, rón
rén, cứ nói bô bô lên. Các triết gia hiện đại hình như thiếu cái đức này
nhất: đức can đảm. Nhưng từ trước tới nay tôi vẫn dạo ở ngoài cái khu vực
triết lí, cho nên tôi vững bụng. Cứ theo trực giác của mình, phán đoán theo
ý mình, phô diễn ý kiến của mình và thú thực với công chúng một cách nhẹ
dạ, ngây thơ, cứ như vậy mà tìm được một số bạn đồng thanh đồng khí ở
một chân trời nào đó. Theo cách đó, nhiều khi người ta ngạc nhiên thấy
rằng đã có một nhà văn nào đó diễn đúng những ý của mình, có đúng
những cảm giác của mình, chỉ khác là họ diễn dễ dàng hơn mình, thú vị
hơn mình thôi. Như vậy là mình tìm thêm được một cổ nhân làm chứng cho
mình nữa và đôi bên thành những bạn thân về tinh thần.
*
Cho nên tôi mang ơn những tác giả đó, đặc biệt là các bạn tinh thần Trung
Hoa của tôi. Soạn cuốn này, tôi được các bậc thiên tài giúp sức; tôi mong
rằng tôi quí các vị đó ra sao thì cũng được các vị ấy quí mến tôi như vậy.
Thực ra nhờ các vị ấy mà tôi mới được biết một sự cảm thông duy nhất và
chân thực này: Sự cảm thông giữa hai người xa cách nhau về thời gian mà
có những tư tưởng như nhau, những cảm xúc như nhau và hoàn toàn hiểu