trong thiên Minh Liêu tử đã diễn rõ ràng ý đó (coi tiết sau). Có thể rằng một
người như vậy không kiếm được một bạn thân nào trong xứ lạ, nhưng
“Không đặc biệt lưu ý tới ai tức là lưu ý tới toàn thể nhân loại”. Không có
bạn thân đặc biệt tức là coi ai cũng như bạn thân. Vì yêu hết cả mọi người
nên hòa mình vào với mọi người, nhận xét những chỗ khả ái và những
phong tục của mọi dân tộc. Ngày nay, những du khách ngồi xe ca, nghỉ ở lữ
quán, nói chuyện với bạn đồng hành về xứ sở của mình, không còn được
hưởng cái lợi kể trên nữa vì họ không chịu nhận xét tâm hồn dân tộc những
xứ mà họ tới thăm.
Có tinh thần phóng lãng, ta mới tiếp xúc mật thiết với thiên nhiên được.
Người phóng lãng đòi đi tới những nơi thật vắng vẻ để hưởng sự tĩnh mịch
hoàn toàn mà cảm thông với thiên nhiên. Họ không mất thì giờ dạo những
cửa hàng lớn, lựa những bộ áo tắm xanh xanh đỏ đỏ.
Ngoài ra, còn một cách du lãm nữa là tới những nơi không có người, không
có cảnh, chỉ có mây, cây cối với những con sóc, con chuột xạ, con ngân thử
(Marmotte). Một bà bạn Mĩ kể chuyện rằng có lần bà cũng với vài bạn
Trung Hoa leo một ngọn núi ở Hàng Châu để “chẳng coi cái gì cả”. Buổi
sáng hôm đó sương mù, họ càng leo núi, sương càng dày đặc. Có thể nghe
được giọt sương rơi nhẹ trên ngọn cỏ. Trừ sương mù ra chẳng có gì để coi
hết. Bà ta thất vọng. Các bạn Trung Hoa khuyến khích: “Phải tiếp tục leo
tới đỉnh, cảnh trên đó tuyệt đẹp”. Bà ta rán leo nữa, một lát sau thấy ở xa
xa có một tảng đá xấu xí mây phủ. Bà ta hỏi: “Cái gì đó?” – “Đó là bông
sen trồng ngược”. Rầu rĩ trong lòng, ba ta muốn quay trở xuống - “Nhưng
trên đỉnh còn có cảnh đẹp hơn”. Áo đã ướt đẫm vì sương, bà ta lại rán tiếp
tục leo. Sau cùng họ tới đỉnh. Bốn bề chỉ là một biển sương mù mênh
mông, xa xa mờ mờ một dãy núi. Bà ta gắt: “Ở đây có gì để coi đâu?”. Các
bạn Trung Quốc đáp: “Vâng, chúng ta tới đây để chẳng coi cái gì cả”.
Coi cảnh vật với coi cái hư vô, thực khác nhau xa. Nhiều du khách tuy coi
nhiều cảnh vật mà thực ra chẳng thấy gì, và nhiều du khách chẳng coi cái gì