cả mà lại thấy được rất nhiều.
Tôi thường cười thầm mỗi khi nghe nói một văn nhân nào đó đi du lịch ở
ngoại quốc để “tìm tài liệu viết một tác phẩm mới”; cơ hồ như ở trong tỉnh,
trong xứ ông ta, nhân tình, phong tục không còn có thể cung cấp đề tài cho
ông ta được vì đề tài nào cũng đã khai thác hết nhẵn rồi. Vậy thì điều kiện
cốt yếu của sự du lãm là phải biết nhìn sự vật; mà đã biết nhìn sự vật, thì đi
ra nước ngoài hoặc đi chơi ngay trong cánh đồng ở quanh nhà cũng vậy
thôi, không khác nhau gì cả.
Điều đó, Kim Thánh Thán đã nhận thấy. Trong bài phê bình nổi danh tuồng
Tây Sương kí, ông nói người du lãm cần phải có “một biệt tài trong lòng và
một cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày”. Tất cả vấn đề ở đó: có một tấm
lòng để cảm và một cặp mắt để ngó. Thiếu hai cái đó thì đi chơi núi chỉ là
tốn tiền bạc, thì giờ. Mà có hai cái đó thì chẳng cần leo núi, cứ ở nhà, hoặc
ra ngoài đồng ngắm một đám mây, một con chó, một hàng rào, một cây
đứng lẻ loi, cũng hưởng được nhiều cái thú. Dưới đây, tôi xin dẫn một đoạn
của Kim bàn về nghệ thuật du lãm:
“Tôi đã đọc nhiều bộ du kí và thấy rằng ít người hiểu nghệ thuật du lãm.
Đành rằng người biết du lãm không ngại đường xa ngàn dặm, vạn dặm,
cũng cố đi đến nơi để coi hết những cái kì diệu của hóa công trong cảnh núi
non, sông biển, hang động, đất lành (phúc địa). Nhưng trong lòng có chút
biệt tài, dưới hàng lông mày có cặp biệt nhãn thì chẳng cần tới coi những
cảnh núi non, sông biển, hang động, đất lành mà cũng biết được hết cái kì
diệu của hóa công. Hôm trước người đó đi thăm một hang đá, gần kiệt sức
của chân, của mắt và của lòng để coi cho hết; hôm sau người đó lại đi thăm
một nơi đất lành, lại gần kiệt sức của chân, của mắt, của lòng để coi cho
hết. Người đi theo không hiểu người đó, bảo: “Ngày nào cũng đi chơi,
khoái quá! Mới coi xong một cái hang đá, nay lại coi thêm một chỗ đất
lành!” Họ không hiểu gì cả. Người biết du lãm kia khi rời khỏi hang mà
chưa tới chỗ đất lành, giữa hai nơi đó là một khoảng cách hai ba chục dặm