Lâm Ngữ Đường
Một Quan Điểm Về Sống Đẹp
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG XII
HƯỞNG THỤ VĂN HOÁ
1. GIÁM THỨC
Mục đích của giáo dục và văn hóa chỉ là để phát triển khả năng giám thức
và luyện tập nên những hành vi tốt. Con người có văn hóa hay có giáo dục
không nhất thiết là phải có học thức rộng, nhưng phải biết yêu những cái
đáng yêu, ghét những cái đáng ghét. Biết cái gì đáng yêu, cái gì đáng ghét
là có giám thức (goût). Không gì bực mình bằng gặp một người đầu óc đầy
những niên đại và tên nhân vật lịch sử, biết rõ những việc bên Nga, bên
Tiệp Khắc, mà kiến giải hoặc thái độ thì hoàn toàn lầm lẫn. Tôi đã gặp
những con người như vậy và tôi thấy về vấn đề gì họ cũng đưa ra sự kiện
này, sự kiện khác mà kiến giải của họ thì thật là tệ hại. Học vấn của họ thật
quảng bác nhưng họ thiếu giám thức, không biết phán đoán. Học thức
quảng bác là học thức nhồi vào sọ cho thật nhiều sự kiện; còn sự giám thức,
sự biện biệt phải trái là vấn đề phán đoán về cái thiện, cái mĩ. Khi phê bình
một văn nhân, người Trung Hoa thường phân biệt học vấn, kiến thức với
đức hạnh. Đối với các sử gia, sự phân biệt như vậy cũng xác đáng; một bộ
sử có thể chứa đầy những tài liệu quí mà thiếu hẳn sự sâu sắc, sự phán đoán
chân chính; khi luận về việc và người, tác giả có thể không có chút kiến
giải trác việt, thâm thúy. Một tác giả như vậy ta gọi là thiếu nhãn thức. Tra
cứu kĩ, thu thập được nhiều tài liệu và chi tiết là việc rất dễ. Trong thời đại
lịch sử nào cũng có vô số sự kiện cho ta thu thập, nhưng biết biện biệt
những sự kiện nào có ý nghĩa để lựa chọn là việc vô cùng khó khăn hơn và
tùy ở kiến giải mỗi người.
Cho nên người có giáo dục, học vấn là người biết phân biệt thị phi, yêu cái