quan niệm tiêu khiển, tức quan niệm du hí về tinh thần, là quan trọng hơn.
Tôi càng quí các tác phẩm bất hủ, dù là họa phẩm, công trình kiến trúc hay
nhạc phẩm, tôi lại càng cho rằng tinh thần nghệ thuật chân chính chỉ có thể
phổ biến, thấm nhuần xã hội khi nào có rất nhiều người coi nghệ thuật là
một tiêu khiển, chứ không mong tìm cái danh bất hủ trong nghệ thuật. Một
trường trung học đào tạo được vài tay quán quân về môn quần vợt hay đá
banh, điều đó đâu có quan trọng bằng tập cho toàn thể học sinh đều biết
chơi hai môn đó; một dân tộc thì cũng vậy, sản xuất được một Rodin
đâu có quan trọng bằng dạy dỗ sao cho tất cả các trẻ em và thanh niên trong
lúc nhàn rỗi sáng tác được một cái gì để tiêu khiển. Tôi muốn rằng tất cả trẻ
em trong các trường đều tập nặn và tất cả các ông Giám đốc Ngân hàng, tất
cả các nhà chuyên môn kinh tế vẽ lấy được tấm thiếp chúc mừng Tân
Xuân, dù rằng vẽ chẳng ra hồn gì cả, cũng còn hơn là trong nước chỉ có vài
nghệ sĩ coi nghệ thuật của mình là một cái nghề. Bất kì trong khu vực nào
tôi cũng thích tinh thần tài tử. Nghe một ông bạn gảy tửng tưng một khúc
đàn nào đó tôi thích hơn là nghe một ban nhạc chuyên môn nổi danh bực
nhất. Coi một tài tử đóng trò ta vẫn thích hơn là coi một đào kép chuyên
nghiệp; mà cha mẹ nào xem con cái đóng kịch vẫn thú hơn là xem diễn một
vở kịch của Shakespeare tại rạp hát. Vì như vậy là tự động mà tinh thần
nghệ thuật chân chính phải là tinh thần tự động. Cho nên tôi rất trọng cái
quan niệm về môn họa ở Trung Hoa: người ta coi môn đó là một tiêu khiển
của các văn nhân chứ không phải là một cái nghề. Muốn cho nghệ thuật
khỏi biến thành thương nghiệp thì phải giữ cái tinh thần du hí, tiêu khiển
đó.
Đặc tính của du hí là du hí để du hí chứ không cần có lí do, không nên có lí
do nào khác. Du hí tự nó là mục đích của nó rồi. Quan niệm đó được sự
thiên diễn của lịch sử chứng minh. Trong sự cạnh tranh để sinh tồn, vạn vật
có cần đến cái đẹp đâu mà lại có những cái đẹp có hình thức phá hoại như
cặp sừng của hươu nai. Học phái Darwin nhận thấy điều đó nên ngoài luật
thiên nhiên tuyển trạch ra đã phải đưa thêm ra luật phụ này nữa là luật thư
hùng đào thải (sélection sexuelle). Phải nhận nghệ thuật chỉ là một sự tiêu