thuật và đạo đức đại thể là như vậy. Đạo đức không thể là một vật ở ngoài
mà nghệ sĩ cho thêm vào tác phẩm để thỏa lòng yêu ghét bất thường của
một nhà độc tài hoặc tuân những qui tắc nay thế này mai thế khác của một
ông giám đốc cơ quan tuyên truyền. Đạo đức phải tự trong lòng nghệ sĩ
phát ra, phải là biểu hiện tự nhiên của tâm hồn nhà nghệ sĩ. Một họa sĩ ti
tiểu không thể vẽ được một bức họa vĩ đại và một họa sĩ cao thượng không
thể sản xuất một bức họa ti tiểu, dù có nguy đến tính mạng cũng không thể
khuất thân làm công việc đó được.
Quan niệm “phẩm” của người Trung Hoa là một quan niệm rất hay về
nghệ thuật; cũng có khi người ta gọi là “nhân phẩm” hoặc “phẩm cách”.
Khi họ bảo nghệ sĩ hoặc thi sĩ này là “nhất phẩm” hay “nhị phẩm” là họ
có ý phân biệt cao thấp; công việc nếm vị của trà, họ cũng gọi là “phẩm
trà”. Các hạng người trong mỗi hành động đều biểu hiện cái “phẩm” của
mình ra. Người đánh bài (đổ bác) có “đổ phẩm”, nếu xấu tính thì gọi là
“đổ phẩm” không tốt; người uống rượu (tửu) mà lúc say sưa có những
hành động xấu thì gọi là“tửu phẩm” không tốt; người đánh cờ (kì) cũng có
“kì phẩm” tốt hoặc không tốt. Cuốn sách đầu tiên phê bình thơ của Trung
Hoa, nhan đề là “Thi phẩm”, tác giả cuốn đó là Chung Vinh (đời Nam Bắc
Triều) chia thi nhân ra làm nhiều hạng; lại có những cuốn phê bình hoạ
nhan đề là “Họa phẩm”.
Do quan niệm về “phẩm” đó mà nhiều người tin rằng tác phẩm của một
nghệ sĩ hay hoặc dở là tùy nhân phẩm của người đó cao hoặc thấp. Tiếng
“nhân phẩm” có cái nghĩa về đạo đức và nghệ thuật. Nó nhấn mạnh vào
tấm lòng hiểu người, tấm lòng cao thượng, đại độ, xuất thế, bất tục, không
đê tiện; hiểu theo ý đó thì nó gần giống với tiếng Manner hoặc Style (phong
cách) của người Anh. Một nghệ sĩ ngông thì văn cũng có phong cách
ngông; một nghệ sĩ phong nhã thì văn cũng có phong cách phong nhã, và
một nghệ sĩ có mĩ thức thì không khi nào cầu kì, lố bịch. Như vậy, nhân
phẩm là tinh thần chân chính của nghệ thuật. Người Trung Hoa luôn luôn
mặc nhiên nhận rằng một họa sĩ không thể nào vĩ đại được nếu cá tính đạo