luôn là không có chỗ chê: từ bút pháp đến tâm trạng, thị hiếu, kiến giải,
cách suy nghĩ đều hoàn toàn cả. Có sự đồng thanh, đồng khí, nên hễ thấy
tác phẩm của tác giả đó là đọc nghiến đọc ngấu cho hết. Như bị bỏ bùa,
người đó sung sướng tuân theo tác giả, bắt chước từ giọng nói, cách cười
dong mạo của tác giả. Nhưng vài năm sau, bùa bả như tan rồi, bắt đầu thấy
chán và kiếm những tác giả khác. Cũng có nhiều độc giả không bao giờ yêu
tha thiết một tác giả nào cả, cũng như có nhiều trai gái chỉ ve vãn nhau mà
không thể thắm thiết với nhau được. Những độc giả đó có thể đọc mọi tác
giả, nhưng rút cục vô sở đắc.
Có quan niệm như trên thì không thể coi đọc sách như một bổn phận hoặc
một sự bó buộc được. Ở Trung Hoa, người ta thường khuyên học sinh phải
“khổ độc”. Có một đại học giả nọ cần khổ đọc sách như vậy và ban đêm
đương đọc sách mà buồn ngủ thì lấy dùi đâm vào vế
. Một nhà khác bảo
một nữ tì đánh thức mình mỗi khi ngủ thiếp đi. Thật vô nghĩa. Sách hay mở
trước mặt, một tác giả hiền minh chuyện trò với mình mà mình lại buồn
ngủ thì đi ngủ phắt đi có hơn không? Những người đọc sách mà thành công
ít nhiều tất không dùng cái phương pháp “cần nghiên” (hăm hở nghiên
cứu), “khổ độc” đó. Họ yêu sách nên đọc sách, không thể làm khác được,
thế thôi.
Vấn đề đó giải quyết rồi, bây giờ tới vấn đề nên đọc sách vào lúc nào, ở
chỗ nào. Không có gì nhất định cả. Hễ thích đọc thì ở đâu đọc cũng được.
Tăng Quốc Phiên, trong một bức thư gởi cho một người em muốn lên kinh
sư kiếm một trường tốt nhất để học, khuyên em như vầy:
“Nếu có chí muốn tự lập thì có thể đọc sách
ở một trường học thôn
quê; ngay ở trong sa mạc, hoặc giữa phố xá đông đúc, ngay trong lúc nuôi
heo, đốn củi cũng đọc sách được. Còn như không có chí tự lập thì chẳng
những ở trường học thôn quê không đọc sách được mà ngay ở trong nhà
vắng vẻ, ở cõi thần tiên cũng không đọc sách được”.