tố trang sức, mà là toàn thể ấn tượng của ta về tinh thần của tác giả: Tác giả
sâu sắc hay nông cạn, có nhiều kiến thức hay không, có những đức nào
khác nữa, thái độ đối với mọi sự vật ra sao. Tất nhiên không có sách nào
dạy cái “kĩ thuật hài hước”, hoặc “kĩ thuật ngạo đời”, không có sách nào
chỉ cho ta được “mười lăm qui tắc thực tế” hay “mười một qui tắc cảm xúc
tế nhị”.
Trong cuộc vận động để phục hưng thuyết Tính linh (expressionnisme) để
phát biểu cái “bản ngã” và đề xướng một thể tản văn giản dị, linh động, tự
nhiên, tôi bắt buộc phải viết nhiều thiên tiểu luận về văn học và nghệ thuật
viết. Tôi cũng đã rán viết ít câu cách ngôn gom dưới nhan đề là “Tuyết gia
yên khôi” (Tàn thuốc xì gà).
A. KĨ THUẬT VÀ CÁ TÍNH
Các giáo sư dạy tác văn mà bàn về văn học thì cũng không khác các chú
phó mộc bàn về mĩ thuật. Các nhà phê bình chuyên áp dụng kĩ thuật mà
phân tích văn chương thì cũng không khác các ông kĩ sư dùng cái côm-pa
(compas) để đo chiều cao và tính sự cấu tạo của núi Thái Sơn.
Không có cái gì là kĩ thuật viết văn cả. Các văn sĩ Trung Hoa mà tôi nhận là
có giá trị đều bảo như vậy.
Kĩ thuật đối với văn học cũng như giáo điều đối với giáo phái: đều là tiểu
tiết cả mà chỉ bọn tính tình hẹp hòi, vụn vặt mới lưu ý tới.
Những người mới tập tành thường bị kĩ thuật huyễn hoặc: kĩ thuật viết tiểu
thuyết, kĩ thuật soạn kịch, kĩ thuật diễn kịch. Họ không biết rằng có một cái
gọi là cá tính, chính cá tính mới là cơ sở của mọi thành công trên đường