Một số tác giả luôn luôn kích thích độc giả như một chiếc áo đầy rận của
người ăn mày. Ngứa ngáy là một cái thú trên đời.
Vương Trung (27-100) phân biệt chuyên gia và học giả, tác giả và tư tưởng
gia. Tôi cho rằng một chuyên gia mà học thức quảng bác thêm thì thành
một học giả, một tác giả mà trí tuệ thâm thúy thì thành một tư tưởng gia.
Một học giả cũng như một con chim ưng già ăn thức gì thì mớm thức đó
cho chim con; một tư tưởng gia cũng như một con tằm không nhả ra lá dâu
mà nhả ra tơ.
Cây bút cũng như chiếc dùi của người đóng giày, càng đóng càng bén,
nhưng phạm vi của quan niệm thì mỗi ngày một mở rộng như một người
leo núi ngắm cảnh, càng lên cao càng nhìn được xa.
D– HỌC PHÁI TÍNH LINH
Học phái Tính linh
do ba anh em họ Viên
thành lập ở cuối thế kỉ
mười sáu (cũng gọi là học phái Công An vì họ Viên quê ở huyện Công An),
chủ trương phát huy cái bản ngã của ta. Tính là tính tình cá nhân mà linh là
tâm linh cá nhân.
Viết chẳng qua để phát huy tính tình hoặc biểu diễn tâm linh của mình. Cái
mà ta gọi là ‘thần linh” chính là sự lưu động của tâm linh đó.
Đọc một cuốn sách cổ hoặc coi một bức họa cổ, chỉ là xét xem tâm linh của
tác giả lưu động ra sao. Khi mà tâm lực khô cạn hoặc tinh thần suy giảm đi
thì những văn sĩ, họa sĩ đa tài nhất cũng thiếu tinh thần, thiếu hoạt bát.