Vậy những vật sinh động trong vũ trụ đều có vẻ đẹp cả. Thân cây đằng già
đẹp hơn nét chữ Vương Hi Chi, mà sườn núi đứng trang nghiêm hơn những
mộ bi của Trương Mộng Long. Xét vậy thì ta viết rằng cái “văn” hoặc cái
đẹp của văn học do tự nhiên mà có và cái gì phát huy được hết thiên tính thì
đều đẹp cả. Cái đẹp vốn là nội sinh chứ không phải ngoại lai. Móng ngựa
sinh ra để chạy, thích hợp với động tác chạy; vuốt cọp sinh ra để vồ mồi,
thích hợp với động tác vồ mồi; chân hạc thích hợp với động tác đi ở ao
vũng, còn chân gấu thích hợp với động tác đi trên lớp băng. Con ngựa, con
cọp, con hạc hoặc con gấu có bao giờ nghĩ tới cái vẻ đẹp của hình thể
chúng đâu? Chúng sống tự nhiên và có cái tư thế tự nhiên thích hợp khi cử
động. Nhưng theo quan niệm của chúng ta thì chúng ta thấy rằng móng con
ngựa, vuốt con cọp, chân con hạc hay con gấu có một vẻ đẹp kì dị, hoặc
hùng tráng, hoặc tế xảo, hoặc thanh kì hoặc thô bạo. Cái đẹp của chúng do
tư thế cùng hoạt động của chúng, mà hình thể của chúng là do các cơ quan
rất hiệu năng của chúng tạo thành. Đó là bí quyết của cái đẹp trong văn.
Khi cái “thế” cần một cử động, một hình dáng nào thì không thể cưỡng mà
ngăn cản nó được; không cần tới nữa thì phải ngưng lại liền. Một danh tác
cũng giống một sự phát triển của thiên nhiên, tự cái chỗ không có cái “thế”
mà thành một cái “thế” đẹp. Phong cách cùng cái vẻ đẹp đều tự nhiên phát
sanh, vì cái mà ta gọi là cái “thế” đó, chính là cái đẹp của động tác chứ
không phải là cái đẹp của định hình. Hễ hoạt động thì có cái “thế”, do đó
mà có vẻ đẹp, có sức mạnh, có văn.
Chú thích:
So đoạn này với tiết 4 chương II và đoạn đầu tiết 2 chương VI ta thấy tư
tưởng của tác giả có vẻ như mâu thuẫn. Tác giả có nhận rằng vật chất ảnh
hưởng tới tinh thần không?