cao vọng nên rất ít khi thất vọng. Về phương diện đó, tinh thần họ được
giải thoát.
Sau nhiều năm nghiên cứu văn học và triết học Trung Hoa, tôi thấy lí tưởng
cao nhất của họ là con người đạt quan, sáng suốt tỉnh ngộ, nhờ vậy tư cách
của họ mới được phần cao thượng, mà họ mới có thể tiến trên đường đời
với một tinh thần phúng thích ôn hòa, mới có thể tránh được những dụ dỗ
của danh lợi mà biết lạc thiên tri mệnh. Cũng nhờ tinh thần đạt quan đó, họ
có một ý thức về tự do, biết yêu sự phóng lãng, sự nhàn tản, có cái ngạo cốt
và một thái độ lãnh đạm. Phải có cái ý thức về tự do với cái lãnh đạm đó thì
chúng ta mới hưởng thú ở đời một cách nhiệt liệt được.
Triết lí của tôi được người phương Tây cho là có giá trị hay không, điều đó
tôi không quan tâm tới. Muốn hiểu được đời sống phương Tây, thì phải có
cặp mắt, bộ thần kinh, tính tình và thái độ vật chất của người phương Tây.
Tôi tin rằng bộ thần kinh của người Mĩ chấp nhận được nhiều cái mà người
Trung Hoa không chịu nổi, ngược lại cũng đúng nữa. Trời sinh ra mỗi dân
tộc một khác. Nhưng cái gì cũng là tương đối cả. Tôi chắc chắn rằng người
Mĩ sống vội vàng, náo động như vậy, nhiều khi cũng ước ao cái thú tuyệt
trần được nằm dài trên cỏ mà mơ mộng. Không thế thì sao có kẻ lại la lên
như vầy: “Tỉnh dậy đi mà sống chứ” (Wake up and live). Xét cho cùng, họ
không đến nỗi xấu lắm đâu. Có lẽ, trong một xã hội mà ai nấy cũng phải
làm lụng, thì cái danh từ “thơ thẩn” làm cho họ ngượng đấy thôi; nhưng tôi
tin rằng họ thỉnh thoảng cũng muốn dãn bắp thịt ra, lăn trên cát, chân nọ
gác chân kia một cách khoan khoái và gối đầu lên cánh tay mà nhìn trời.
Vậy thì họ cũng không khác Nhan Hồi là mấy, Nhan Hồi mà chính Khổng
Tử khen là có đức hạnh. Thế thì người Mỹ cứ thành thực đi, họ thích cái gì
thì tuyên bố thẳng với thế giới rằng thích cái đó, rằng không phải trong khi
họ làm việc ở phòng giấy mà chính là trong khi họ nằm dài trên cát, thì tâm
hồn họ mới reo lên: “Chà! Đời sống thú vị thật”. Văn hóa một dân tộc là