CH ƯƠ
NG XIV
NGHỆ THUẬT TƯ TƯỞNG
1. CẦN CÓ NHỮNG TƯ TƯỞNG CẬN NHÂN TÌNH
Tư tưởng là một nghệ thuật chứ không phải là một khoa học. Xét về học
vấn thì một trong những tương phản quan trọng nhất giữa phương Đông và
phương Tây ở điểm này: phương Tây có nhiều tri thức chuyên môn mà ít tri
thức cận nhân tình, còn Trung Hoa không có tri thức chuyên môn mà rất
chú ý tới vấn đề nhân sinh. Chúng ta nhận thấy rằng ngay khu vực tri thức
cận nhân tình của phương Tây cũng bị tư tưởng khoa học xâm chiếm, cho
nên cũng có tính cách chuyên môn, cũng dùng quá nhiều thuật ngữ khoa
học hoặc bán khoa học. Tôi dùng những “tư tưởng khoa học” đó là theo
nghĩa ngày nay chứ theo nghĩa chân chính thì “tư tưởng khoa học” không
thể tách khỏi lương tri và tưởng tượng được. Theo nghĩa ngày nay thì “tư
tưởng khoa học” của phương Tây tách xa lương tri mà chỉ có tính cách lí
luận khách quan, rất chuyên môn và “nguyên tử” từ phương pháp tới quan
niệm. Tóm lại, sự tương phản giữa hai nền học vấn Đông và Tây là một bên
trọng lương tri, một bên trọng luận lí. Luận lí mà thiếu lương tri thì hóa ra
bất cận nhân tình, lương tri mà thiếu luận lí thì không thể thấu triệt được
những bí mật của hóa công.
Dạo trong vườn văn học và triết học Trung Hoa ta thấy gì? Thấy không có
khoa học, không có tín điều, không có những lí luận cực đoan và thực ra
cũng không có cả những triết học tính chất khác hẳn nhau. Lương tri và
tinh thần không cực đoan đã đè bẹp tất cả các lí thuyết, các tín điều. Cũng
như thi hào Bạch Cư Dị đời Đường, học giả Trung Hoa mượn đạo Nho để