toàn nào không cãi nhau bao giờ, mà chỉ có những cặp vợ chồng cận nhân
tình, cãi nhau một cách hợp tình hợp lí rồi làm lành với nhau một cách hợp
tình hợp lí. Chỉ trong một thế giới mà mọi người đều cận nhân tình thì mới
có thể có thái bình và hạnh phúc được.
Tinh thần cận nhân tình là vật quí nhất mà Trung Hoa có thể cống hiến cho
phương Tây. Tôi không bảo bọn quân phiệt
bắt dân chúng đóng trước
năm chục năm thuế là cận nhân tình đâu; tôi chỉ muốn nói rằng tinh thần
cận nhân tình là phần tinh túy của văn minh Trung Hoa. Hai người Mĩ đã ở
Trung Hoa lâu năm ngẫu nhiên chứng thực phát minh đó của tôi. Một vị
bảo rằng tất cả đời sống xã hội Trung Hoa đặt cơ sở trên từ ngữ “giảng lí”
(nói sao cho hợp tình hợp lí). Trong một cuộc tranh luận Trung Hoa, luận
cứ cuối cùng là: “Cái đó có hợp tình lí không?”. Lời trách cứ nặng nhất mà
cũng thường dùng nhất là lời này: “Người đó không giảng lí”, nghĩa là ăn
nói không hợp tình hợp lí. Người nào chịu nhận rằng mình không hợp tình
hợp lí là chịu thua trong cuộc tranh luận rồi.
Trong cuốn “My country and my people”(Nước tôi và dân tộc tôi), tôi
viết “Đối với một người phương Tây, một luận thuyết chỉ cần hợp phép
luận lí. Đối với một người Trung Hoa thì còn phải hợp nhân tình. Hợp nhân
tình, tức “cận tình”, thực ra còn quan trọng hơn là hợp luận lí. Tiếng
reasonableness (hợp lí) của Anh dịch ra tiếng Trung Hoa là “tình lí”; tính lí
gồm hai nguyên tố “nhân tình” và “thiên lí”. Tình là thuộc về lòng người,
lí là định luật của vũ trụ. Người có giáo dục, kiến thức là người hiểu nhân
tình và thiên lí. Nho gia sống hòa hợp với lòng người và thiên nhiên để
mong thành một thánh nhân. Thánh nhân, theo quan niệm của họ, chỉ là
một người cạn nhân tình, như Khổng Tử mà ai cũng ngưỡng mộ là có
lương tri sáng suốt, có nhân tính tự nhiên.
Một tư tưởng nhân-tính-hóa chỉ là một tư tưởng cận nhân tình. Người
chuyên giảng luận lí luôn luôn là một kẻ ngụy thiện (giả đạo đức), vậy là
không hợp nhân tình, là lầm lẫn; còn người cận nhân tình thì luôn luôn ngờ