điều hòa những nhiệt tình cùng dục vọng đó; và một khi điều hòa được thì
con người cũng ngang hàng với Trời, Đất. Từ nhỏ đến già, tình, dục cùng
tinh lực của con người đều thay đổi, phát triển theo từng thời kì, cho nên
Khổng tử bảo: “Nhỏ thì phải răng mình vì sự tranh đấu, lớn lên phải răng
mình về sắc dục, già thì phải răng mình về tính tham lam” (Thiếu, giới chi
tại đấu; cập kì tráng, giới chi tại sắc; cập kì lão, giới chi tại tham), nghĩa là
trẻ con thì ham đánh nhau, người lớn thì ham đàn bà, mà người già thì ham
tiền.
Thái độ của người Trung Hoa có thể tóm trong câu này: “Cái gì cũng nên
vừa phải thôi”, đừng đòi hỏi nhiều quá hay ít quá. Con người ở giữa cái
khoảng trời, đất, giữa cái lí tưởng và cái thực tế, giữa những tư tưởng cao
thượng và những tình dục đê hèn. Bản chất của con người như vậy: thèm
khát hiểu biết cũng như thèm khát nước ngọt, thích một tư tưởng đẹp cũng
như thích món thịt bò nấu măng, thưởng thức một câu thơ hay cũng như
ngắm nghía một mĩ nữ. Thế giới như vậy đó, đâu có hoàn hảo. Tất nhiên có
thể cải thiện xã hội, nhân loại một phần nào được, nhưng người Trung Hoa
không tin rằng có sự hòa bình hoàn toàn, có hạnh phúc hoàn toàn. Có một
cố sự chứng tỏ quan điểm đó. Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đầu
thai, tâu với Diêm Vương: “Như quả Đại Vương muốn cho tôi trở về dương
gian, thì tôi xin được vài điều kiện”. Diêm Vương hỏi: “Điều kiện nào?”.
Người đó đáp: “Tôi xin được làm con một vị Tể tướng, làm cha một vị
Trạng nguyên; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có
ao thả cá, có đủ loại trái cây; lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì
thiếp diễm lệ, hết thảy đền ngoan ngoãn chiều chuộng tôi; lại xin châu bảo
chất đầy phòng, lúa chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được
làm công khanh, một đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi”. Diêm
Vương đáp: “Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã
đầu thai thay ngươi rồi !”.
Bản chất của con người đã như vậy (không hoàn toàn tốt, không hoàn toàn
xấu) thì thái độ phải chăng, hợp lí là tìm cách thích ứng với nó. Với lại