phù du của nhân sinh đó bàng bạc trong toàn thể thi ca Trung Quốc và
trong một phần lớn thi ca phương Tây. Trong buổi tà huy rực rỡ, ta chèo
chiếc thuyền trên một dòng sông lững lờ, cảnh đẹp biết bao, nhưng ngay
lúc đó, hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, và đời người cũng theo luật
của hóa công, cùng với vạn vật sinh ra, lớn lên rồi chết, để nhường chỗ cho
kẻ khác. Có thấy rõ được rằng cõi trần là hư ảo thì mới là giác ngộ. Trang
Tử bảo có lần nằm mộng thấy mình hóa ra bướm, vẫy cánh mà bay, khi tỉnh
dậy thấy mình là Trang Tử, rồi ông tự hỏi chính là Trang Tử mộng thấy hóa
ra bướm hay bướm mộng hóa ra là Trang Tử
. Đời sống chỉ là một giấc
mộng mà chúng ta như những lữ khách ngồi trong chiếc thuyền trôi theo
dòng thời gian vĩnh viễn, xuống thuyền ở bến này, rồi rời thuyền lên bộ ở
bến khác để nhường chỗ cho những lữ khách đợi thuyền ở trên bờ.
Đời người sẽ mất nửa phần thú vị đi nếu chúng ta không cảm thấy rằng nó
là một giấc mộng, hoặc một cuộc hành trình nhất thời, hoặc một màn kịch
trên sân khấu mà đào kép quên rằng mình chỉ đóng trò thôi.
4. CÓ MỘT CÁI BAO TỬ
Chúng ta là động vật , một hậu quả quan trọng nhất của sự kiện đó là chúng
ta có một cái bao không đầy, gọi là bao tử. Nó ảnh hưởng lớn đến văn minh
của nhân loại. Một triết gia sành ăn của Trung Quốc, Lý Lạp Ông, trong bài
tựa phần “Ẩm soạn bộ”, tập “Nhàn tình ngẫu kí’; có lời trách oán cái bao
không đầy ấy như vầy:
“Xét cơ thể của con người, tôi thấy tai, mắt, mũi, lưỡi, tay chân, thân thể,
hết thảy đều cần thiết, không thể thiếu được, chỉ có hai cơ quan không cần
thiết chút nào cả mà trời lại phú cho ta, tức cái miệng và cái bao tử, nguồn
gốc tất cả những cái lụy của loài người, từ xưa đến nay. Có cái miệng với
cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức nên mới