sinh ra những mưu mô, gian trá. Mưu mô, gian trá sinh ra nên mới phải đặt
hình pháp; thành thử vua không thể thi hành nhân chính, cha mẹ không thể
nuông chiều con cái, ngay đến Tạo vật hiếu sinh như vậy cũng phải làm trái
cái chí của mình. Tất cả những cái đó chỉ do Tạo vật vụng tính khi tạo thân
thể con người, cho ta hai cơ quan đó.
“Thảo mộc không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đá đất không ăn uống
mà vẫn trường tồn. Thế thì tại sao loài người lại khác mà phải có miệng và
bao tử? Nếu như phải có miệng và bao tử thì sao không cho ta như loài cá
loài tôm, uống nước mà sống, hoặc như con ve con châu chấu, hút sương
mà sống, cũng phát triển đầy đủ khí lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy?
Như vậy chúng ta sẽ có cầu gì với đời đâu mà bao nhiêu nỗi lo lắng sẽ biến
hết. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử, Tạo vật lại cho ta nhiều thị dục, bao
nhiêu cũng không chán, như sông biển không bao giờ đầy, thành thử suốt
đời, bao nhiêu cơ quan khác đều phải kiệt lực cung phụng cho hai cơ quan
đó mà không đủ.
“Tôi suy đi nghĩ lại về điều đó, không thể không trách Tạo vật được. Tôi
cũng biết rằng Tạo vật tất cũng hối hận rằng mình lầm, nhưng đã lỡ rồi,
hình thể con người đã định rồi, làm sao sửa được. Cho nên ai đã đặt ra pháp
lệnh, chế độ, phải thận trọng ngay từ lúc đầu, không thể sơ suất được, điều
đó thực là quan trọng”.
Nhất định là đã lỡ rồi, không sao sửa được nữa; và cái sự kiện chúng ta có
một cái bao tử để đánh dấu quá trình lịch sử của nhân loại. Khổng Tử hiểu
rõ thiên tính của con người, cho nên chỉ kể cho hai thị dục lớn nhất là dinh
dưỡng và sinh dục, tức như nói nôm na thì là ăn uống và trai gái. Nhiều
người đã khắc chế được sắc dục nhưng chưa có vị thánh nào khắc chế được
ẩm thực, quên đi sự ẩm thực quá bốn năm giờ liền. Cứ cách ít giờ thì trong
óc ta nhất định nổi lên điệp khúc bất biến này: “Bao giờ ăn đây?”. Mỗi
ngày điệp khúc đó nổi lên ít nhất là ba lần, đôi khi bốn năm lần. Các cuộc
hội nghị quốc tế, đương lúc bàn cãi say sưa và sôi nổi về tình hình chính trị,