trang, lạnh lùng, còn các vị tổng thống các nước dân chủ thì biết cười.
Ta cứ tưởng tượng một thế giới mà những vị chỉ huy đều vui tính thì mới
thấy được rằng tính hài hước quan trọng phi thường trên trường chính trị.
Chẳng hạn ta cứ phái năm sáu nhà hài hước tài nhất thế giới tới dự một hội
nghị quốc tế, ta cho họ toàn quyền quyết định, thế giới sẽ được cứu nguy
ngay. Sắp có đại chiến mà phái họ đi dự hội nghị thì dù có tận lực muốn
gây chiến, họ cũng không gây nổi. Vì bọn gây chiến là ai? Là hạng có tham
vọng, có năng lực, thông minh, mưu mô, tính toán kĩ lưỡng, lanh lợi, ngạo
mạn, ái quốc hạng nặng, hạng người muốn “phục vụ” nhân loại, tự cho
mình có “sứ mạng”, muốn khắc sâu một “ấn tượng” trên thế giới, ao ước và
hi vọng rằng được từ trên một bệ cao nhìn xuống hậu thế bằng cặp mắt một
tượng đồng, cưỡi trên một con ngựa cũng bằng đồng dựng ở một ngã năm
ngã sáu nào đó.
Tôi tin rằng tinh thần hài hước mà mọi người đều có sẵn có thể mở đường
cho một thời đại hợp lí, mà thời đại đó là lí tưởng nhất của nhân loại; vì xét
cho cùng, chỉ có điểm này quan trọng là làm sao cho loài người có được
tính biết điều hơn, nhiều lương tri hơn, tư tưởng giản dị, tính tình khoan
hoà và nhãn quan sáng suốt. Thế giới lí tưởng không phải là một thế giới
hoàn toàn về mọi phương diện mà là một thế giới trong đó người ta nhận
ngay được những khuyết điểm và giải quyết được những vụ xung đột một
cách hợp lí. Muốn vậy phải có sự giản dị trong tư tưởng, có một triết lí vui
và một lương tri tế nhị, ba cái đó đều là đặc tính của tinh thần hài hước.
Khi một nền văn minh mất sự giản dị trong tư tưởng và đời sống thì nó bắt
đầu suy đồi. Con người biến thành nô lệ những ý niệm, những tham vọng,
những chế độ xã hội mà chính mình tạo ra. Cũng may là tinh thần hài hước
có thể trừ cho ta được tật đó. Người hài hước vận dụng tư tưởng một cách
nhẹ nhàng và làm chủ được nó. Nghiêm nghị là dấu hiệu của sự gắng sức
mà gắng sức là dấu hiệu của sự chưa hoàn toàn tự chủ. Một nhà văn
nghiêm trang thì vụng về, không thoải mái trong lãnh vực ý tưởng, cũng