có một lối sống giản dị, suy nghĩ giản dị.
5. TINH THẦN PHÓNG KHOÁNG VÀ ĐỘC LẬP
Ngày nay hình như hạng quân nhân được trọng hơn hạng người phóng lãng
và được coi là hạng người lí tưởng cao quí nhất của nhân loại. Đáng lẽ cần
có những cá nhân phóng khoáng, độc lập, tự do thì xã hội chúng ta sắp phải
có những công nhân ái quốc, hợp lí hoá, nhất luật hoá, gò bó vào kỉ luật,
vào đoàn thể và bị kiểm soát, tổ chức một cách hiệu quả đến nỗi một quốc
gia năm sáu chục triệu người cùng thờ một chủ nghĩa, cùng một loại tư
tưởng, cùng thích một loại thức ăn. Đành rằng cả hai quan niệm trái ngược
nhau về phẩm cách tôn nghiêm của nhân loại đó đều có lí cả: một quan
niệm coi con người phóng lãng là lí tưởng, một quan niệm coi quân nhân là
lí tưởng; một quan niệm cho rằng người nào còn giữ được tự do và cá tính
của mình là người cao quí nhất, một quan niệm cho rằng người nào từ bỏ
cái quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng để hoàn toàn lệ thuộc vào kẻ
thống trị hoặc quốc gia, là người ấy tốt nhất. Người ta có thể dùng ý thức
phổ thông để binh vực quan niệm trên; dùng óc luận lí để bênh vực quan
niệm dưới và chứng minh rằng con người máy ái quốc là một công dân
kiểu mẫu, ích lợi cho quốc gia, mà quốc gia nào muốn tồn tại thì phải tiêu
diệt tất cả những quốc gia khác. Thực là khó tin, một quan niệm như vậy
mà đã được và hiện còn được nhiều quốc gia “văn minh” và “khai hoá” ở
Âu châu chủ trương.
Riêng tôi thì mặc dầu quan niệm đó hợp luận lí cách nào, tôi vẫn thích quan
niệm phóng nhiệm hơn, thích con người phóng khoáng hơn, mà lòng
ngưỡng mộ văn minh phương Tây của tôi đã giảm đi rất nhiều từ năm
1919-1920. Trước hồi đó, tôi xấu hổ về văn minh Trung Hoa, và cho rằng
Trung Hoa không có hiến pháp, không có công quyền, thì thực là một
khuyết điểm lớn, và tôi tin rằng một chính phủ lập hiến cộng hoà hay dân