“Cây cối trên núi Ngưu Sơn xưa vẫn tươi tốt; nhưng vì ở giáp một nước lớn
nên thường bị búa rìu tiều phu đốn chặt; như vậy làm sao còn tươi tốt được
nữa? Nhờ ngày đêm còn chút nhựa lưu thông, lại được mưa, sương tẩm
nhuần, nên mới còn đâm chồi nảy mộng. Nhưng bò dê kéo nhau đến ăn
phá, vì vậy mà núi hoá trơ trọi, và người ta thấy nó trơ trọi, tưởng chừng
như núi chưa từng có cây lớn. Nhưng có phải bản tính của núi như vậy
đâu?
Cái bản tính còn lại ở con người cũng thế. Ai mà chẳng có sẵn lòng nhân
nghĩa. Nhưng người đời buông mất tấm lòng lương thiện đi, cũng như búa
rìu đốn chặt cây trên núi đi; ngày nào cũng đốn, thì làm sao còn tốt đẹp
được nữa? Tất nhiên ngày đêm lòng lương thiện còn sanh ra được, và khí
lành buổi sớm còn nuôi được, nhưng khí lành đó chẳng được bao nhiêu mà
những hành vi ngày đêm lại ngăn phá nó. Ngăn phá nó hoài thì cái khí ban
đêm không đủ để bảo tồn nó nữa thì con người có khác cầm thú bao nhiêu
đâu? Thấy họ không khác gì cầm thú mà tưởng rằng họ chưa từng có lòng
lương thiện. Nhưng có phải bản tính của con người như vậy đâu”
.
2. TÌNH, TRÍ, DŨNG: MẠNH TỬ
Người nhiệt thành, ưu nhân, can đảm là người có thể hưởng thụ đời sống
được hơn cả. Mạnh Tử cho nhân, trí, dũng là ba cái mĩ đức quan trọng nhất
của bậc mà ông gọi là “đại nhân”. Tôi muốn đổi chữ “nhân” ra chữ “tình”
và coi tình, trí, dũng là ba đức của một đại nhân. Anh ngữ và Pháp ngữ đều
có chữ “passion” nghĩa rất gần với chữ “tình” của Trung Hoa. Cả hai chữ
mới đầu đều có cái nghĩa hẹp là “tình dục”, nhưng ngày nay nó đã có nghĩa
rộng hơn như trong lời này của Trương Trào: “Người đa tình tất hiếu sắc,
nhưng kẻ hiếu sắc vị tất đã đa tình”, hoặc như trong câu: “Một chữ tình để
duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Nếu chúng ta không có
chữ tình thì ở đời không có việc gì để làm cả. Tình là linh hồn của đời sống,