truyện của Daudet, hắn chỉ như một côn trùng, một cái máy, một người
máy làm dơ trái đất này thôi. Nàng Sapho đã tội lỗi. Thì đã làm sao? Nàng
có tội lỗi nhưng nàng đã yêu, mà kẻ nào yêu nhiều sẽ được tha thứ nhiều.
Sống giữa giới con buôn tàn nhẫn, nàng vượt lên được, lòng trẻ trung hơn
biết bao kẻ triệu phú. Cho nên người ta thờ nữ thánh Marie Madeleine
là phải.
Nhưng vì đời sống tàn khốc nên một người bản tính nồng nàn, quảng đại,
đa cảm dễ bị bạn bè khôn lanh lừa gạt. Họ lầm lẫn vì quá đại lượng với kẻ
thù, quá tin bạn và đôi họ về nhà mới tỉnh ngộ mà làm một bài thơ chua
chát. Ở Trung Hoa có nhiều thi sĩ như vậy, chẳng hạn như Trương Đại, một
môn đồ của Trà đạo. Ông ta phung phí gia sản rồi bị bạn thân và họ hàng
lánh bỏ, làm được mười hai bài thơ giọng cực kì chua xót. Nhưng tôi ngờ
rằng ông vẫn đại lượng cho tới khi chết, cả những khi ông khốn cùng nữa
vì nhiều lần ông suýt chết đói, và tôi tin chắc rằng nỗi chua xót của ông tan
đi như đám mây mà ông vẫn sung sướng như trước.
Chính vì đời sống tàn khốc cho nên chỉ có nhiệt tình không thôi không đủ,
phải có thêm trí và dũng nữa; hai đức này theo tôi chỉ là một, vì dũng do trí,
do sự hiểu rõ nhân sinh mà ra, vả lại cái trí mà không đưa ta tới dũng thì
cũng vô dụng.
Ở đời có vô số cái bả nó phỉnh gạt ta và Phật giáo ở Trung Hoa chia nó làm
hai loại chính: danh và lợi. Người ta kể chuyện rằng vua Càn Long khi du
Giang Nam, một lần đứng trên một ngọn núi, nhìn ra biển thấy thuyền
buồm qua lại rất nhiều, hỏi một vị đại thần: “Hàng trăm chiếc thuyền đó đi
đâu vậy?”. Vị đại thần đáp chỉ trông thấy có hai chiếc, một chiếc tên Danh,
một chiếc tên Lợi. Nhiều người có học tránh được cái bả Lợi, nhưng chỉ
hạng vĩ nhân mới tránh được cái bả Danh. Một vị hoà thượng bảo đệ tử:
“Tránh cái lợi dễ hơn tránh cái danh. Ngay những bậc ẩn sĩ, những bậc tu
hành cũng mong được người ta biết đến mình. Họ muốn giảng kinh thuyết
pháp trước đám đông, chứ không muốn ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm