nhảy lên dữ dội hơn, tất cả các động tác ấy kèm theo một âm thanh nửa gừ
gừ nửa gầm gầm, âm lượng phình ra như tiếng hơi phì trong nồi xúp-de.
- Ta là Bagheera, trong Rừng, trong đêm tối, và ta cảm thấy sức lực
của ta. Ai là kẻ chặn đà ta lao tới? Chú Giống Người ạ, một cái vả của ta là
một cái đầu nát bấy, bẹp dí như con ếch chết giữa ngày hè!
- Vậy hãy thử coi nào! – Mowgli nói, lần này bằng thổ ngữ của dân
làng chứ không bằng ngôn ngữ của Rừng.
Tiếng nói của Giống Người làm cho Bagheera sững hẳn lại, đôi hông run
rẩy oằn xuống dưới sức nặng của thân mình. Đầu nó cao đúng tầm đầu
Mowgli. Một lần nữa Mowgli nhìn chằm chằm, như chú đã nhìn lũ sói non
nổi loạn, vào chính giữa cái đáy mắt màu xanh lục ngọc, cho đến khi cái
ánh sáng đỏ lộ qua tròng mắt xanh biếc tắt đi như ánh sáng một chiếc đèn
pha mờ khuất qua hai mươi dặm biển, cho đến khi đôi mắt kia cụp xuống
cùng với tất cả cái đầu to kềnh hạ thấp, thấp nữa, thấp nữa, và một cái lưỡi
đỏ lòm đến chà chà vào cổ chân Mowgli.
- Anh, Anh, Anh! – Chú bé vừa lẩm bẩm vừa mơn trớn nhè nhẹ, nhịp
nhàng suốt dọc tấm lưng đang cong lên – Yên nào, yên nào! Đó là lỗi tại
màn đêm, không phải lỗi anh.
- Đó là do cái mùi của ban đêm – Bagheera nói với giọng ăn năn – Tất
cả bầu không khí này cao giọng nói với tôi. Nhưng chú, làm sao chú biết
nhỉ?
Không khí xung quanh một cái làng Ấn Độ dĩ nhiên là đầy những mùi hỗn
tạp, và đối với những sinh vật chỉ tư duy bằng mũi, thì mùi làm chúng phát
cuồng lên cũng giống như âm nhạc và rượu bia đối với con người. Mowgli
vuốt ve Bagheera thêm mấy phút nữa, con thú nằm trên mặt đất, hệt như
một con mèo trước bếp lửa, chân xếp lại trước ngực và mắt lim dim.
- Chú thuộc về Rừng, và cũng không thuộc về Rừng – Cuối cùng
Bagheera nói – Còn ta, ta chỉ là con Báo Đen. Nhưng ta yêu chú, chú em!
- Họ để thì giờ trò chuyện dưới gốc cây – Mowgli nói, không chú ý
đến những lời cuối cùng của con Báo – Buldeo chắc phải kể cho họ nghe
không chỉ một chuyện. Chẳng bao lâu họ sẽ đến lôi người đàn bà và chồng