NHỚ MÙA XƯA NƯỚC NGẬP
B
ão về. Từ mấy hôm trước thời tiết đã bất thường. Có khi cả ngày nắng
chang chang, tối đến đổ mưa rầm rập, những ai có việc ở lại công sở muộn
ngao ngán nhìn dòng nước dâng ngập cầu thang, đành phải ngủ lại cơ quan.
Mưa xối mưa xả, tôi nằm chôn chân trong nhà, chỉ biết ngao ngán nhìn trời,
lục tủ lạnh chế biến đống thức ăn dự trữ, xem tivi, lên mạng, rồi lại nhìn
trời, thương những người buộc phải ra đường trong cơn mưa dữ. Còn với
trẻ con, đương nhiên bọc chặt chúng trong nhà, một giọt nước mưa cũng
chẳng cho động đến. Chợt thấy, cuộc sống trong mưa của người thành phố
đơn điệu quá. Chợt rưng rưng nhớ những mùa nước ngập ngày xưa, mỗi
khi mưa về như mở hội.
Ngôi làng nhỏ của tôi nằm ven sông Hồng. Mỗi năm hè đến, người lớn
trong làng lo thắt lòng bão lũ, lo vỡ đê, lo nước ngập, lo chưa kịp thu hoạch
hoa màu, nhà dột, không có cái ăn. Còn bọn trẻ con chúng tôi chỉ lo nhất là
không có cái chơi. Tuy vậy, cái sự ăn, chơi của trẻ con nhà quê ngày xưa nó
khác với sự ăn, chơi của trẻ con thành phố ngày nay lắm. Chính trong hoàn
cảnh khó khăn, thiếu thốn lại khiến nhiều đứa phát huy tối đa sức sáng tạo,
khiến những cái ăn, những trò chơi cũng trở nên hữu ích và thành kí ức
chẳng thể phai mờ.
Những ngày mưa bão dữ dội nhất, mưa bão chết cò, kể cả người lớn
cũng không dám ra khỏi nhà, đành tự thưởng cho mình những phút giây
nghỉ ngơi thì bọn trẻ bồn chồn chân tay, buồn bã mồm miệng. Lúc ấy, các
thùng, vại, chum, các vò trong nhà được lục tung ra, và những đứa trẻ lại
trở thành bọn hăng hái nhất khi làm các món ăn mùa nước ngập. Nhà nào
còn nhiều thóc nếp, thể nào cũng sẽ có vài mẻ được đổ lên chảo, rang bỏng
thơm lừng, khói tỏa nghi ngút, ấm áp và tiếng bỏng nổ lép bép vui tai trong
tiếng mưa dồn dập. Bao giờ cũng vậy, cứ một mẻ rang thì chỉ còn lại một
nửa bỏng, vì bọn trẻ đã háu táu bốc ăn từ khi bỏng mới nở loáng thoáng rồi.