Một đôi lần người lớn đi vắng, mấy anh chị em chúng tôi được dịp hòa
vào đám trẻ con cùng xóm, chạy rối rít theo tiếng “Bíp be” ấy. Ông hàng
kem như một vị chỉ huy đầy oai phong lẫm liệt giữa đám binh lính lau
nhau. “Từ từ thôi, từng đứa một”, ông luôn miệng quát. Hàng chục bàn tay
chìa ra. Túm lấy một xâu dép đứt lủng lẳng, ông quẳng vào chiếc sọt đeo
bên sườn xe, nhanh như cắt, ông thò tay vào đống vải màn bùng nhùng, lôi
ra một que kem. Đứa vừa được đổi vồ lấy, đút ngay vào miệng, cười đắc
thắng. Những đứa khác lại nhao nhao. Thêm một thanh sắt vứt vào sọt, hai
que kem được lôi ra, chị em thằng Tuấn chia nhau chạy ngay về nhà. Một
cuộn dây đồng nữa, ba que, bốn anh em nhà con Lý cự nự: “Sao được ít
thế, không đủ chia”? “Có thế thôi, không đổi thì trả đây”, ông hàng kem
vừa vơ một bọc vải nhựa, nilông vừa chìa tay ra khiến con Lý xanh mắt,
vội rụt tay lại, không thắc mắc gì nữa. Thằng Khánh chỉ có một chiếc hộp
xà phòng hết, lại sứt sẹo, ông hàng kem xua lấy xua để: “Không đủ, không
đủ”. Cũng là một chiếc hộp xà phòng, nhưng hầu như còn mới nguyên, cầm
rõ nặng tay, ông hàng kem đảo mắt rõ nhanh rồi thẩy vào chiếc túi đeo
trước ghi đông xe, dúi cho thằng Kiệm hai que, lên xe đạp đi thẳng. Thằng
Kiệm hấp tấp gặm nham nhở một que, chìa cho chị em tôi que còn lại. Que
kem ấy mấy chị em tôi và thằng Khánh mút quay vòng, đến khi còn trơ
chiếc cật tre vẫn còn tiếc rẻ. Vị ngọt mát chỉ thực sự biến mất khi chiều
muộn, mẹ thằng Kiệm tìm hộp xà phòng mới dùng hết gần nửa để giặt quần