ngạc nhiên vì nó có cả lần giấy nilông trong suốt quấn bên ngoài thì tai tôi
suýt nổ ầm khi nghe ông hàng kem bảo: “Tám năm bốn mươi nhé”. “Thế là
thế nào ạ”? Tôi ngơ ngác hỏi. “Tám trăm một que, năm que là bốn nghìn”.
Chìa tờ năm nghìn ra, nhận lại có một nghìn tiền thừa, tôi vẫn chưa tin nổi
tai mình. Những tám trăm một que kem. Đời thuở nhà ai, đắt thế mà vẫn
dám ăn. Trong khi đó cả nhà tôi ăn rau một ngày cũng chỉ hết có năm trăm.
Cầm một nghìn về đưa trả mẹ con Loan, tôi run run như thể chính mình
vừa ăn cắp hay ăn bớt tiền của mẹ nó. Không ngờ mẹ nó thản nhiên cầm
lấy, rõ ràng đã quá biết giá cả của loại kem này rồi. Cắn một miếng, tôi vẫn
còn nghe hai má mình đỏ lựng. Miếng kem tan chảy ngay trong mồm. Cả
que kem mềm sụt, ngọt lịm, thơm lừng, ăn không nhanh là chảy hết. Chả
bù thứ kem tôi vẫn ăn trước đó, cứng toàn nước đá, mút mãi mới tan, thi
thoảng còn có cả cục bột lổn nhổn vị khoai hà, vị sắn nữa. Có lẽ đó là que
kem ngon nhất trong đời tôi từng được ăn, vì ăn bằng cả sự ngạc nhiên,
bằng sự mới mẻ, bằng cả sự nuối tiếc ngậm ngùi cho đời trẻ nhà nghèo của
mình.
Giờ, kem Tràng Tiền đã gần chục nghìn một que. Những que kem, hộp
kem ngoại nhập bán trong siêu thị thì đắt hơn gấp nhiều lần. Rồi còn kem ở
các quán cà phê với những cái tên mĩ miều “Nụ hôn kiểu Pháp”, “Tom và
Jerry”, “Báo hồng”... với đủ màu, đủ mùi vị khác nhau khiến cái lưỡi được
chu du qua nhiều đất nước, đôi mắt được mở rộng và đẳng cấp, sành điệu
của người ăn cũng nâng lên gấp bội. Vậy mà, không hiểu chị hàng kem tôi
gặp ở phố Hà Nội chiều nay xuất hiện từ đâu, chị đi lạc từ một vùng ngoại
thành nào đến? Hay chị đi lạc từ kí ức tôi ra cũng chẳng biết chừng.