nước dội ướt người rồi chờ mạ ra kì cọ. Tới chiều, mạ dặn ba dắt bò về là
ba xăm xăm đi ra đồng, ai gọi cũng không ngoái lại, ra ruộng đứng nhìn
thật lâu phải bò nhà mình mới dắt về. Ba chưa bao giờ làm sai lời “thủ
trưởng”. Rời chiến trường với một vết thương ở đầu, hồi đó ba hay kêu
đau, sau rồi nhớ nhớ quên quên và hay nói một mình. Mạ vét tiền đưa ba đi
khám tận bệnh viện Trung ương, bác sĩ bảo ba bị tổn thương thần kinh,
không chữa được. Mạ ứa nước mắt nhìn ba đau đớn, mỗi ngày qua lại lặn
lội tìm thầy cúng, nghĩ chữa bằng khoa học không được thì phải chữa bằng
tâm. Ba dần bớt đau nhưng thành ra ngơ ngẩn hẳn, chẳng đủ tỉnh táo để làm
giấy tờ thương binh nhờ hỗ trợ của nhà nước. Hai mạ con em đi hỏi khắp
nơi nhưng họ lắc đầu, không có giấy tờ xác nhận, ngay chính người bị
thương cũng không tỉnh táo thì chịu. Khi đó, mạ sinh em với anh Dỏ khỏe
mạnh nên yên tâm sinh thêm em Na nữa. Ai ngờ, ba tuổi mà nó chẳng nói
năng gì, mang khuôn mặt hao hao những đứa trẻ cùng kiểu với cái đầu to
và đôi mắt đờ đẫn.
Anh Dỏ là niềm hy vọng lớn nhất của mạ. Anh siêng năng và chịu khó
học hành, năm nào cũng có phần thưởng đem về. Anh theo nghề bác sĩ với
ước mơ chữa bệnh cho ba, cho em Na. Học đến năm ba trường Y thì anh
phát bệnh. Bạn anh bảo, đang ngồi học bỗng dưng anh bật dậy cười rú lên,
lúc đầu cứ tưởng đùa. Mỗi ngày anh càng lơ đãng, cứ nhớ quên, hay nói
chuyện một mình, hay cười, hay hét vô thức. Ai cũng bảo chắc thằng này
siêng học quá đâm lẩn thẩn, trường Y xưa nay nhiều trường hợp như vậy.
Khi mạ quày quả bắt xe đò vô trường thấy anh ở trong phòng lột hết quần
áo, tóc tai bờm xờm, ê a hát hò nhảy múa.
Giấc mơ của anh khép lại, niềm hy vọng của mạ tắt lịm đi, mạ lại nhen
nhóm và dồn tất cả tin yêu vào em. Em thắc mắc mạ lấy gì để kỳ vọng ở
em khi em đã nghỉ học từ sớm, ở nhà trông ba, trông Na và phụ mạ. Rồi gật
gù với ý nghĩ, à, vì em là đứa tỉnh táo còn lại. Nhìn anh Dỏ và Na, em thấy
bất an lắm. Sống mà cứ thấp thỏm mình sắp chết chắc còn thoải mái hơn
cái kiểu thấp thỏm mình bị điên lúc nào không hay. Những lúc rỗi rãi, em
tưởng tượng một ngày nào đó mình cũng cười nhiều nói nhiều, chẳng lăn