trên đường, tôi quở một câu mà chị bảo là nghe xót mãi: “Hai mạ con
giống nhau thiệt!”.
Hai
Xóm nằm sâu ở cuối ngôi làng, cuối huyện thị được xếp hạng nghèo rớt.
Ngày đặt chân lên đây, tôi xoa bụng bầu ra vẻ đồng tình với chồng, đất này
hèn chi cứ bơ vơ với cái tên An Mô. Những nóc nhà nằm rải rác trên đường
lộ, khuất sau những hàng cau và đám chè tàu rậm rạp. Thế mà nắng vẫn dữ,
xuyên qua lớp lớp cây cối êm đềm phả vào da thịt người sức nóng như
thiêu như đốt. “Nắng kiểu này mà nằm than chắc em thành thịt nướng thôi
chồng ơi!”. Chồng chẳng ư hừ, nhìn hai người hàng xóm vừa trả lại nụ
cười đã khuất bóng, mồ hôi anh rịn ra đẫm cả lưng áo.
Tôi cứ tưởng chồng dắt díu cả nhà tới vùng đất hứa nào đó, là thành phố
xô bồ bận bịu hay vùng kinh tế mới đất đai mênh mông. Không ngờ là ở
đây, một vùng đất bình yên cũ kỹ. Xóm nhỏ lèo tèo vài nóc nhà ẩm mốc,
chỉ màu xanh cây cối là bất tận. Nhiều nhất là chuối, đất này hình như hợp
với chuối, nhà nào cũng trồng chuối, những cây chuối bạt ngàn tàu lá,
buồng trĩu xuống chạm đất. Chồng ngó mấy buồng chuối rồi bảo tôi, mình
cứ đẻ như chuối cũng được, càng đông càng vui. Thế nên tôi nằm ổ khi vừa
tới An Mô được vài tháng. Đúng mồng Hai Tết. Nữ chẳng kiêng cữ chi cả,
chị lật đật sang nhà rửa ráy hơ háp cho tôi, lại còn giặt đồ cho hai mạ con,
bảo đàn ông làm ba việc này tội lắm. Tôi mến chị rồi coi chị hệt như chị gái
mình.
Đàn ông trong xóm theo đoàn thợ nề của chú Huân làm ăn. Chồng tôi
cũng gia nhập vào nhóm thợ cả. Mỗi sáng, họ lục đục dậy sớm, ăn vội tô
cơm rang mà vợ để sẵn trên bàn rồi cầm đồ nghề tập trung ở ngõ nhà chú
Huân. Từ những căn nhà trong làng đến lăng mộ, nhà thờ, trường học, chùa
chiền đều được xây bởi đội thợ nề này. Người ta cứ đập đi rồi xây lại, sửa
sang, mở rộng, thành ra công việc quanh năm. Mỗi sáng, họ rời khỏi nhà
bằng bộ áo quần xám đục cũ mòn na ná nhau, tới chiều cũng một bộ dạng
na ná nhau mà trở về trên đôi chân xiêu vẹo, người phả đầy hơi rượu.