Hôm Lâm vẫy tay chào tôi ở sân ga, tôi chẳng thể ngăn giọt nước mắt
chực chờ rơi xuống. Tôi nhớ lời nói của mẹ và thấy thương người vô cùng,
thấy mình như chạm tới nỗi đồng cảm giữa những người phụ nữ. Mẹ bảo
đàn ông luôn lẳng lặng quay ngoắt ra đi sau khi khiến đàn bà đau khổ cùng
cực. Hệt như một sớm tỉnh dậy, mẹ quay qua đã thấy ba lạnh ngắt tự lúc
nào, chẳng nói chẳng rằng một câu cám ơn hay xin lỗi. Cái con người câm
lặng ấy, cách đó mười bảy năm đã bế về trên tay một con bé đỏ hỏn ngậm
bàn tay mình mút chùn chụt. Ông quỳ dưới chân mẹ xin tha lỗi, mẹ của nó
đã trút hơi thở cuối cùng để sinh nó ra. Mẹ không nói gì nhưng bà nội gào
khóc, la mắng ba. Hơn ai hết, nội hiểu nỗi khổ của mẹ, người con dâu tảo
tần một mình nuôi mẹ chồng đau yếu, một mình sinh con, chờ chồng mòn
mỏi để rồi sau những chuyến công tác dài ngày chưa kịp nhìn đứa con đang
ngậm sữa, chồng đã mang cho mẹ một món quà còn chưa khô cuống rốn.
Mẹ lẳng lặng chia cái bầu vú mà tôi đang ngậm cho em, chia những miếng
thịt trong bát cơm lẽ ra sẽ đầy thịt của tôi. Chia miếng vải sẽ may áo mới
cho tôi, chia những con búp bê tóc dài lẽ ra chỉ thuộc về tôi mãi. Để rồi ngơ
ngác khi lần đầu nghe em bật môi gọi tiếng mẹ ngọng nghịu, mẹ bật khóc
ngon lành. Phải trái tim em bình thường như bao đứa trẻ khác, mẹ đã có thể
trút lên những hằn học. Mẹ đỡ em từ tay ba hôm trước, hôm sau đã lật đật
bế em vào bệnh viện ở cả tháng trời. Em lớn lên bằng sự nhẫn nhịn bao
dung của mẹ nhiều hơn là tình yêu của gia đình.