sân. Thùy về làm vợ chưa được hai tháng đã gặp mùa hoa nở, sáng tối quét
sân đến bực mình.
***
Mỗi ngày, Thùy đạp xe lên chợ bán rau, qua gốc đa đầu làng thấy có
quán sửa xe nên dừng lại bơm lốp. Ai ngờ, gặp lại người xưa. Tình cố làm
mặt tỉnh bơ, cúi mặt sờ cái lốp xe cho Thùy, hỏi Thùy sống sao, có phải
giận Tình không chịu cưới nên Thùy mới vội vàng như vậy. Thùy cười nhẹ
tưng, tôi yêu anh ấy, thế thôi. Người ta đạp đi xa rồi mà cái người sửa xe
vẫn bần thần, thở hắt ra, khóe mắt anh đột nhiên sẫm lại, một giọt nước từ
đó chảy ra.
Ở với Lự, tự nhiên có nhiều chuyện hiểu rõ nên Thùy thương Lự hơn.
Chiến đấu cùng đơn vị với ba cô, bị thương nặng hơn ba nhưng anh không
xin được giấy xác nhận thương binh. Trong khi, ba Thùy mỗi tháng được
nhà nước hỗ trợ một khoản tiền đủ đi đám cưới, đám ma rồi lai rai vài bữa
thì Lự không hề có. Anh hay bực mình và cáu gắt, bộ dạng lúc nào cũng
chán nản thời cuộc. Có bận xem thời sự, nghe nhà nước nói chuyện chính
sách, anh cười nhếch môi, bảo muốn liệng chén cơm đi quá. Thùy nhỏ nhẹ,
hỏi lơ “Cái cây mưng ngoài sân anh trồng lâu lắm rồi nhỉ”. Thế là Lự
buông đũa, ngồi kể một hồi. Cái cây ấy lâu lắm rồi, già ngắc già ngơ, xấp xỉ
tuổi của Lự. Khi Lự còn chập chững, ba anh mang cây ấy về trồng. Ba
chăm cây hơn cả vợ con, rồi vì mẹ hay hắt nước chè nóng ra gốc nên nó
héo queo, cháy lá hết trọi, mẹ bị ba tát cho mấy cái. Mẹ thù cây ấy lắm, bảo
chỉ có nước muốn chặt mà vứt đi. Sau này, mẹ chết cũng vì cái cây ấy. Vì
quá giận ba, mẹ nhảy xuống sông sau khi đã nấu xong bữa cơm tối cho cha
con Lự. Anh bảo, nhiều bận thấy ba tay cầm rạ đứng tần ngần bên gốc cây
này, ông chảy nước mắt, sau rồi thở dài “Để đó mà nhớ mà đau chứ chặt đi
rồi vẫn đau mãi nhưng chưa chắc là nhớ”. Thùy đưa mắt nhìn mấy bóng lá
trên cây, có khi cô nhìn nó ra hình thù uốn lượn như con rồng đẹp mắt, có
khi lại nhìn ra hình thù khác rất đáng sợ. Hồi ở nhà, mẹ hay bảo cây gì lâu
năm cũng có ma ở. Thế là Thùy hãi, ban đêm chẳng dám lơ ngơ đứng trước
sân nữa.