MƯA TỪ CÕI TẠM
M
ở cửa hé ra bên ngoài, nhìn qua chánh điện thấy đèn vẫn sáng, tiếng
tụng kinh từ đó vọng ra rỉ rả đều đặn. Đêm qua sư cô không chợp mắt, hẳn
vì con bé vừa no sữa đang nằm mút tay ở kia. Nó cứ túm lấy áo Bé rồi giúi
mặt vô ngực, Bé ước chi sau làn áo mình là dòng sữa chảy ra cho mấy đứa
ngậm no nê. Sớm qua, cũng giờ này, sư cô ra thỉnh chuông thì thấy con bé
nằm gọn lỏn dưới tượng Quan Âm Bồ Tát. Nó tới đây không cùng với một
mảnh giấy nào, chỉ một tấm chăn mỏng bao quanh người, vài chiếc bỉm và
cái cọng rốn còn chưa khô. Đã ba năm mà lần nào Bé cũng luống cuống
trong tình huống ấy. Lật đật pha sữa cho đứa nhỏ uống rồi bế lên bệnh viện
khám, xong xuôi lại theo sư cô đi báo chính quyền.
Sư cô khổ tâm lắm. Cửa chùa thành ra là nơi người ta để lại những sinh
linh bé bỏng với mẩu giấy nhỏ ký thác cửa Phật từ bi. Lúc đầu chỉ một, hai
đứa, qua mỗi năm lại nhiều thêm. Hình như nghe tiếng, nên mỗi người đàn
bà khi không tìm thấy con đường nào khác, lại lẳng lặng đem con mình
quày quả bỏ đây. Sư cô làm giấy khai sinh cho mấy đứa nhỏ bằng những
cái tên bắt đầu bằng chữ Phước.
Trời bây giờ giăng sương sớm, cả nền trời mờ đục hệt như hôm Bé bỏ
làng đi. Buổi sáng ấy trời dày sương như thế này, người đi trước có ngoái
đầu lại cũng chẳng nhìn rõ mặt người đi sau. Hôm ấy là ngày Tùng cưới.
Lúc đi ngang qua nhà, Bé liếc vô thấy Tùng đang thắt cà vạt, gương mặt
đượm nỗi âu lo. Lo giờ đi họ gần tới mà mâm heo quay chưa mang về kịp