chim kéo nhau về làm tổ quanh vườn, biết hoa gì thường nở về đêm. Con
người cần gần gũi cây cối thiên nhiên mới tĩnh tâm lắng mình được.
Ngoài sân, Phúc ngồi bần thần ngó cái cổng cao trổ hoa văn đẹp đẽ bị
đập nát mà tưởng mình đang tiếc. Hóa ra, anh đang nhớ những buổi ngồi
bên hông nhà, trông ra hàng chè tàu chờ mạ đi chợ về. Chỗ gốc bưởi vừa
được bứng đi, chị anh hay ra hái lá gội đầu. Chỗ đường này, ngày xưa anh
cùng đám con nít trong xóm chơi tán lon suốt buổi trưa, dù dép bay bụi
tung mù mịt. Mùa mưa, đường đất đỏ lầy lội, mạ phải đi bốt. Lũ về, cả xóm
phải chèo boong ra tận ngõ. Bây chừ đê điều đắp cao, chẳng lo lũ lụt nữa,
người ta dần dần tiến tới cuộc sống tốt đẹp hơn, biết hưởng thụ hơn. Đâu ai
như ba anh, cả đời cứ chắt bóp vì nhớ những cực khổ của thời ăn bo bo và
cơm độn sắn. Nghĩ mãi mới hay rằng, cái lấn bấn tiếc nuối trước kia của
cha thiệt là đáng trọng.
Việc ông Tâm từ chỗ phản đối bàn giao mặt bằng đến chỗ tự nguyện hiến
trọn mảnh vườn trước nhà mà không lấy đồng nào khiến thôn An ngỡ
ngàng. Họ nhìn nhau rồi tặc lưỡi ký vô biên bản, chờ ngày đường xóm mở
rộng, đường làng thênh thang.
Mấy tháng sau, con đường đẹp đẽ được hoàn thiện nối liền xóm trên xóm
dưới. Từ chỗ thôn An chạy xuống xóm Rào, tới cầu Đại Lộc chỉ mất vài ba
phút. Đám học trò đi học trên thị xã đạp xe hớn hở vì đường trơn êm láng.
Ngày mưa chẳng bẩn chân, ngày nắng chẳng còn bụi đỏ. Mùa về, lúa phơi
thênh thang phía mặt đường sạch sẽ. Dù có lúc đi qua, đôi người lẩn thẩn
như ông Tâm, cứ ngó dáo dác con đường trơ trụi mà nhớ hàng tre xanh um
thuở còn.
Những hàng cây đã lẳng lặng nằm xuống thớ đất xanh, ông Tâm cũng
lẳng lặng đi như thế trong một đêm yên lành. Tối đó, thằng Bi vẫn tới nằm
đòi ông kể chuyện rồi mới ngủ. Sáng ra, chị Hằng gọi hai ông cháu dậy
thấy con trai nằm ôm ông nội mà ông thì cứng ngắt lạnh tanh từ lúc nào.
Chị kéo con dậy rồi khóc ré lên gọi chồng.
“Ông trọng mảnh vườn hơn thằng con mình ư?”. Lúc buông ra câu nói
đó, Phúc nuốt lại không kịp. Ký ức ùa về, không, ông là người cha rất mực