thương con. Hồi anh đi thi đại học, hai cha con lặn lội vô Sài Gòn, không
người thân quen, ba nằm chèo queo nhường chỗ cho anh ngủ, đêm nằm
quạt cho anh suốt đêm. Ra khỏi phòng thi, thấy ba mòn mỏi đứng đợi trước
cổng với nhiều phụ huynh khác mà ứa nước mắt. Ba rất thương anh, dù anh
có làm gì sai cũng chẳng bao giờ đánh hay la mắng, luôn chỉ bảo nhẹ
nhàng, từ tốn. Thế mà, độ trước anh làm ông chưng hửng vì một câu nói
dửng dưng thiếu suy nghĩ của mình.
Phúc ôm mặt hối hận. Thà ba dặn dò trách móc chi trước lúc đi, đằng này
ông đi lặng lẽ như thế. Chị Hằng phân vân không biết có nên kể hôm trước
ông lặn lội trời mưa xuống xóm dưới tiễn bà Thơm. Thằng Bi ngây ngô hỏi
sao ông nằm mãi chẳng dậy, để con tới gọi ông. Ông đã nằm đó và ôm hết
kỷ niệm, ôm ký ức cùng mảnh vườn về với thiên thu.
Lo đám tang xong, Phúc mở chiếc rương gỗ cũ kỹ của ba để tìm xem còn
gì hóa tro cùng ông nữa. Trong đám giấy tờ của anh, từ giấy khen hồi tiểu
học, mấy bức vẽ của anh hồi nhỏ xíu còn có lá thư úa màu rớt ra vỏn vẹn
dòng chữ xiêu vẹo: “…Xin lỗi ông, tội tôi lớn tày đình, tôi sẽ ra đi cùng
thằng Phúc. Cám ơn ông vì đã luôn xem nó như con trai mình”.
Hồi đó, chị gái có kể ba mẹ anh chỉ giận nhau đúng một lần, mẹ đem anh
bỏ đi cả tháng nên ba gửi chị lại cho mấy chú rồi lặn lội đi tìm. Sau này lớn
lên, chẳng bao giờ anh nghe hai người to tiếng cự cãi với nhau, mẹ anh lẳng
lặng hy sinh cho chồng con, ông thì thương yêu vợ con hơn cả bản thân
mình.
Có lần đi trên con đường mới, Phúc nhớ lời ba anh nói về cảm giác đang
đi qua một mảnh vườn nào đó dưới chân mà bất giác thấy rưng rưng. Thôi
thì, nắng gió mùa này chẳng còn làm bay bụi.