những ước mong. Bởi vậy, nó già chát hơn cái tuổi thực. Lúc nào cũng gạt
phăng những ngờ vực hoài nghi của chị, đốt lên hy vọng còn đang tươi mới
bằng những câu xằng xẵng nhát gừng “Truất ngựa truy phong rồi, ngu chi
mà tìm về”.
Chợ mỗi năm mỗi đông. Càng ngày, báo chí truyền hình đưa tin rộn rã về
phiên chợ mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa độc đáo nên người đổ về đây
ngày một đông nghịt. Niềm hy vọng của chị vì thế lại đầy thêm sau mỗi lần
hao hụt. Những người bán lộc như chị mỗi ngày một nhiều từ đám con nít
đến mệ già trong làng xã. Một đêm kiếm đến tiền triệu nên ai cũng ham.
Không chỉ dân ở đây mà người từ làng khác cũng rủ nhau sang đây bán.
Người ta mổ heo, mổ bò, gà vịt đầy đủ. Như một phiên chợ bình thường và
đầy ắp các món đồ cần thiết.
Có điều chị không ngồi cố định một chỗ trong chợ mà năm này qua năm
khác cứ chạy loanh quanh. Năm gặp người ta, chị ngồi thụt sâu phía bên
trái cổng chợ, cái chỗ khuất tầm mắt người ta nhất vì bữa đó chị ra muộn
chẳng còn chỗ nào xôm tụ để ngồi. Năm đầu hết ở cữ, chị gánh hàng rất
sớm rồi ra ngồi chỗ cũ, mạ chị la “Đi sớm chi mất công không biết, ai dè
lựa cái chỗ chẳng ai thèm giành”. Chị chỉ cần một người quay lại gánh
hàng mà thôi, nhưng rốt cuộc đâu thấy gì. Mà lạ, dù chị ngồi bán ở góc nào
đi chăng nữa, gánh hàng cũng hết veo. Mạ nói chắc nhìn mặt chị, người ta
tội nghiệp. Sang năm khác, chị vẫn đi sớm giành chỗ. Mất công phân vân
cả đoạn đường dài, chị te tái chấm chỗ cổng chợ phía tay phải, góc bán
buôn xôm tụ đông đúc nhất. Tuyệt nhiên vẫn không thấy gì. Chợ có đến ba
lối đi vào. Vì vậy, mỗi năm chị lại đổi một chỗ ngồi mới, từ trong ra ngoài.
Mười mấy năm qua, mỗi năm chị ngồi bán một góc là vì vậy. Đôi lần lại
làm nhức mình bởi ý nghĩ có khi nào mình đã bỏ sót, như ngồi bên phía bên
trái mà người ta đã rẽ sang phía bên phải để tìm chẳng hạn. Mình ngồi
trong đình mà người ta héo hắt tìm mỏi mắt từ phía ngoài đình chẳng hạn.
Những suy nghĩ ấy làm chị tiếc nuối cả năm sau đó. Biết chắc giữa ngổn
ngang người với người, tìm ra nhau đâu dễ.