Parma. Anh còn phải biết tiếng La tinh. Anh phải biết khi nào thì gặt cây
hướng nhật quy, khi nào cây quỳ thiên trúc nở hoa và khi nào hoa nhài mất
thơm khi mặt trời mọc. Tất nhiên gã Pélissier chẳng biết tí gì về những cái
ấy. Có lẽ gã chưa bao giờ ra khỏi Paris và chưa từng thấy hoa nhài nở trong
đời gã. Nói chi tới biết phải làm cật lực khủng khiếp để vắt được từ trăm
nghìn bông hoa nhài một cục nhỏ Concrète (cô đặc) hay vài giọt Essence
absolute. Có lẽ gã chỉ biết cái chót, có nghĩa là biết hoa nhài như một chất
lỏng đậm đặc nâu sậm trong cái lọ nhỏ để trong tủ sắt, cạnh nhiều lọ nhỏ
khác mà gã vẫn dùng để pha những nước hoa thành mốt của gã. Không,
một tay như gã sẽ chẳng làm được trò trống gì trong cái thời nghệ nhân ra
nghệ nhân ngày trước. Bởi vì gã thiếu đủ thứ: cá tính, học vấn, sự tri túc và
ý thức về sự khép mình trong phường hội. Sự thành công của gã về nước
hoa hoàn toàn dựa vào một sáng kiến phát huy cách đây hai trăm năm của
Mauritius Frangipani – một người Ý thiên tài – rằng hương liệu hoà tan
trong rượu tinh cất. Trộn bột thơm với rượu tức là Frangipani đã chuyển
mùi thơm sang chất lỏng dễ bay hơi, tách mùi thơm khỏi vật thể, siêu trần
hoá mùi thơm, biến thành mùi thơm thuần tuý, nói gọn là ông ta đã tìm ra
nước hoa. Thật là một kỳ công! Một thành tựu có tính thời đại! Đúng là chỉ
có thể so sánh với những thành quả vĩ đại của loài người như sáng tạo ra
chữ viết của người Assyria, hình học Euclide, tư tưởng Platon và sự biến
thái của nho sang rượu vang của người Hy lạp! Một kỳ công thật vô tiền
khoáng hậu!
Tuy nhiên cũng như mọi kỳ tích trí tuệ khác không chỉ rọi sáng mà còn phủ
bóng tối, đem lại cho nhân loại lợi ích lẫn phiền muộn và khốn khổ thì phát
kiến tuyệt vời của Frangipani tiếc thay cũng có hậu quả tai hại: bởi vì nay
khi anh học được cách giữ cái tinh tuý của hoa, của cỏ, của gỗ cũng như
của nhựa cây và của thú vật trong rượu tinh chất, và cách đóng vào chai thì
nghệ thuật chế biến nước hoa cứ vuột dần khỏi tay một số người trong nghề
có khả năng bao quát, để cho bọn khoác lác len lỏi vào, miễn là chúng có
được cái mũi tạm gọi là nhậy, cái gã chồn hôi Pélissier này chẳng hạn.
Chẳng bận tâm xem bằng cách nào có được cái chất tuyệt vời trong các lọ
con, gã cứ một mực theo ý thích của khứu giác, trộn cái gã vừa nghĩ ra