nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị đầy đủ khi chị xuất viện, nhưng dẫu
sao...
– Franz Pakenen, Gustab, George-flat, 25. Stockholm.
– Cảm ơn. Chị không mệt lắm chứ?
– Cũng hơi mệt, – Kat trả lời, bởi vì trong mấy bức ảnh, giữa đám va-
li, hòm xiểng xếp ngay ngắn trên đường phố, cạnh bức tường đổ nát của
ngôi nhà hai vợ chồng chị từng sống, chị nhìn thấy một chiếc va-li rất lớn
nổi bật hẳn lên bên cạnh những chiếc khác. Erwin đặt điện đài ở trong chiếc
va li đó...
– Chị xem kỹ đi, tôi xin phép về đây. – Gã đàn ông chìa ảnh ra cho chị
và nói!
– Không có đồ dùng nào của tôi cả, – Kat trả lời. – Trong này không
thấy mấy chiếc va-li của gia đình tôi...
– Thôi, cảm ơn chị, nếu vậy chúng ta hãy coi như vấn đề này đã được
giải quyết, – người kia nói, thận trọng cất mấy bức ảnh vào cặp, cúi chào
rồi đứng dậy. – Một, hai ngày nữa tôi sẽ lại đến thăm chị để báo tin cho chị
biết kết quả công việc mà tôi lo giúp chị... Chị cũng hiểu đấy, giữa lúc thời
thế khó khăn này, tiền mà chị phải trả công cho tôi chẳng có gì đáng kể,
điều đó chắc chắn cũng sẽ không làm cho chị phật lòng...
– Tôi sẽ hết sức cảm tạ ông. – Kat trả lời.
Nhân viên điều tra của tổ chức Gestapo ở khu phố, kẻ đã tới thăm Kat,
lập tức gửi tấm ảnh chụp những chiếc va-li tới phòng giám định các vết tay
của Kat: tấm ảnh này đã được tráng một chất đặc biệt ở trong phòng thí
nghiệm. Các vết tay trên chiếc điện đài đặt trong va-li đã được ghi lại. Kết
quả cho thấy các vết tay trên chiếc va-li đựng điện đài là của ba người khác
nhau... Còn những tư liệu khác thì hắn gửi tới Vụ VI của cơ quan an ninh
Đức quốc xã: hắn đề nghị cho biết tất cả những gì liên quan tới cuộc đời và
hoạt động của Franz Pakenen, người mang quốc tịch Thụy Điển...