Eisman đi đi lại lại hồi lâu trong phòng làm việc của mình. Y chắp hai
tay sau lưng, bước những bước dài, lúc nào y cũng cảm thấy như thiếu một
cái gì rất quen thuộc và cơ bản. Cái đó làm cho y mất tập trung tư tưởng, ý
nghĩ của y cứ tản mạn, không xoáy vào điểm chủ yếu, y không thể phân
tích đến cùng tất cả những gì khiến cho y đau đầu – tại sao Stierlitz lại lâm
vào tình thế bị điều tra?
Cuối cùng, khi tiếng còi báo động phòng không vang lên rền rĩ,
Eisman mới hiểu rằng thì ra y còn thiếu cái khoản nghe tiếng bom rơi đạn
nổ. Chiến tranh đã gắn liền với sinh hoạt hàng ngày, sự yên tĩnh có vẻ nguy
hiểm và ẩn giấu một cái gì đó còn đáng sợ hơn cả những trận ném bom.
“Lạy chúa! – Eisman thầm nghĩ, khi tiếng còi báo động vừa lặng đi. –
Bây giờ thì có thể ngồi làm việc được rồi đây. Mọi người đã chạy ra hầm
trú ẩn, tôi có thể ngồi và suy nghĩ, không còn ai bước vào phòng mình với
những câu hỏi ngớ ngẩn và những giả thuyết ngu ngốc nữa...”
Eisman ngồi vào bàn và bắt đầu giở tập hồ sơ về vị giám mục đạo Tin
Lành Fritz Schlag ra xem. Schlag bị bắt vào mùa hè năm 1944 vì bị nghi là
có hoạt động chống lại quốc gia. Quyết định bắt giữ dựa vào hai bản tố
giác, một của Barbara Crain và một của Robert Nise. Hai tên này là những
kẻ vẫn đến nhà thờ nghe giám mục giảng đạo. Chúng viết trong bản tố giác
rằng, khi giảng đạo, giám mục đã kêu gọi vãn hồi hòa bình và xây dựng
mối quan hệ hữu nghị anh em với mọi dân tộc, đã lên án cuộc chiến tranh
dã man và sự đổ máu vô nghĩa. Việc thẩm tra khách quan xác nhận rằng vị
giám mục đã từng gặp gỡ mấy lần với cựu thủ tướng Brüning là người hiện
đang sống lưu vong ở Thụy Sĩ. Hai người này có quan hệ thân thiện với
nhau, thế nhưng trong tập hồ sơ không có dẫn chứng nào về mối liên hệ
chính trị giữa vị giám mục với thủ tướng lưu vong, mặc dù đã tiến hành
điều tra hết sức chặt chẽ cả ở nước Đức lẫn ở Thụy Sĩ...
Eisman không hiểu, vì lý do gì giám mục Schlag lại được đưa sang
bên cơ quan tình báo mà không bị ném vào sở Gestapo. Tại sao người của