vậy, còn ai thực hiện thì người ta không cho tôi biết...
Nhưng đêm khuya hôm ấy, người đến căn phòng bí mật mà Kat đang
ở không phải là Stierlitz, mà là Rolf và hai tên giúp việc của hắn. Hắn có vẻ
đang vui vì đã uống rượu, cho nên, sau khi đánh thức Kat, hắn ăn nói rất
lịch thiệp và cứ luôn luôn chen mấy câu tiếng Pháp vào lời nói của mình.
Müller bảo hắn rằng Kaltenbrunner đã đồng ý để chính Rolf làm việc với
cô hiệu thính viên người Nga trong những ngày Stierlitz đi vắng.
– Schellenberg bảo tôi rằng ông ta đề nghị Stierlitz đi làm nhiệm vụ ở
một nơi xa... Tôi cho rằng đó là một biện pháp thông minh, vì Rolf sẽ có
phương pháp đối xử trái ngược với mụ hiệu thính viên kia: sau khi qua tay
một viên dự thẩm dữ tợn, bọn phạm nhân đặc biệt thích gặp người hiền
lành. Stierlitz chả là tay hiền lành mà, có phải thế không? – Kaltenbrunner
nói rồi cười theo một kiểu riêng và chìa xì-gà mời Müller.
Müller châm lửa và thoáng nghĩ: có nên báo cáo về dấu tay trên máy
điện thoại tối mật trong phòng thông tin liên lạc đặc biệt, sự trùng hợp giữa
nó với dấu tay trên chiếc va-li của mụ hiệu thính viên người Nga chăng?
Nhưng sau khi cân nhắc trong lúc hít hơi thuốc “Karo” rất nặng, Müller
quyết định không nói cho Kaltenbrunner biết cả chuyện ấy, cũng như không
nói việc y bí mật lấy dấu tay của tất cả nhân viên trong cơ quan an ninh.
Vấn đề là ở chỗ: y, tức Müller này, phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số
nhân viên SD và Gestapo trong cơ quan an ninh quốc xã. Y nghĩ,
Kaltenbrunner sẽ lập tức nổi giận và đổ lên đầu y mọi trách nhiệm, nếu y để
cho kẻ thù ngồi chễm chệ ngay trong ngôi nhà của mình. Müller hài lòng về
việc Himmler biết chuyện có kẻ nào đó trong cơ quan an ninh gọi điện
thoại cho Bormann, mà Kaltenbrunner không biết; thực tế ấy cho phép y
hành động linh hoạt giữa hai thế lực. Bởi vậy, dĩ nhiên y không báo cáo với
Hitler về việc Kaltenbrunner nghi ngờ Stierlitz; đến lượt mình,
Kaltenbrunner cũng không hay biết gì về cú điện thoại bí hiểm gọi về bộ
tham mưu của đảng Quốc xã, một sự kiện bị Himmler coi như một hành
động phản bội, một sự tố giác.