– Ngài có muốn tìm hiểu xem Stierlitz làm việc với mụ hiệu thính viên
thế nào không ạ? – Müller hỏi.
– Để làm gì? – Kaltenbrunner ngạc nhiên. – Ông tìm hiểu làm gì?
Theo tôi, chính trò chơi vô tuyến là lĩnh vực anh ta khôn khéo nhất.
“Chẳng lẽ ông ta đã quên lời nói của ông ta rồi hay sao? – Müller ngạc
nhiên. – Hay là ông ta giữ bí mật với mình. Có nên nhắc ông ta nhớ đến
việc ấy không? Hay làm như thế là vô lý? Thật là một cơ quan đáng nguyền
rủa, vì ở đây người ta giở thói láu cá ra với nhau! Lẽ ra cần đánh lừa đối
phương, thì lại đi xỏ mũi nhau! Thật chẳng còn ra làm sao!”
– Để cho Rolf độc lập làm việc với cô “nghệ sĩ dương cầm” Nga
chăng, thưa ngài?
Người ta thường gọi nhân viên điện đài là “nghệ sĩ dương cầm”, còn
người chỉ huy nhóm tình báo là “nhạc trưởng”. Gần đây, trong cảnh rối
loạn, khi hàng vạn người lánh nạn đổ về Berlin, khi phải bố trí chỗ ăn ở cho
các nhân viên mang hồ sơ lưu trữ từ Đông Phổ, Aachen, Paris và Bucharest
chạy về đây, người ta quên mất các thuật ngữ ấy và bắt đầu gọi những
người bị bắt theo nguồn gốc dân tộc, chứ không theo nghề nghiệp của họ
nữa.
Bởi vậy, Kaltenbrunner buồn bã nhắc lại:
– Với cô “nghệ sĩ dương cầm” ấy à?.. Không, bảo Rolf nên trao đổi
với Stierlitz. Mục đích là một, nhưng cách vươn tới mục đích có thể khác
nhau... Vẫn chưa thấy bọn Nga điện gì sang đây à?
– Hiện thời thì chưa.
– Kết quả ở phòng giải mã ra sao?
– Họ đã đi được nửa chặng đường. Mật mã này tinh vi lắm.
– Hãy tác động mạnh đến cô “nghệ sĩ dương cầm”. Tôi không tin là cô
ta không biết mật mã của tên chỉ huy ở đây.