– Mẹ em nói đúng. Tất nhiên, nếu chúng ta hát to hoặc kêu gào ngoài
phố thì cổ họng sẽ bị đau... Nhưng ở đây... Không, thầy nghĩ rằng ta hát ở
đây không việc gì cả. Riêng em có thể không hát cũng được: thầy và các
bạn khác sẽ không giận em đâu.
Rồi thầy giáo là người đầu tiên cất tiếng hát một bài hát vui của xứ
Tyrol
. Người chủ quán từ sau quầy bước ra vỗ tay hoan hô các em. Cả tốp
ồn ào rời quán cà-phê và Pleischner trầm ngâm nhìn theo các em.
Tyrol – một xứ ở nước Áo.
“Mình đã có lần nhìn thấy thằng cha da ngăm ngăm đen này ở đâu rồi,
– ông sực nhớ. – Loại người có bộ mặt tầm thường như hắn dễ được người
ta nhớ lâu lắm. Hình như mình đã ngồi ở trại tập trung với hắn chăng?
Không... Mình không gặp hắn ở đó. Nhưng mình nhớ. Mình nhớ mặt thằng
cha này lắm.”
Chắc ông nhìn mặt gã da ngăm ngăm đen chăm chú quá, cho nên gã
kia nhận thấy vậy liền vội vàng mỉm cười; nhưng chính nụ cười đó giúp
ông nhớ lại rõ rành rành. Thậm chí ông còn nghe thấy giọng nói của gã:
“Bảo lão ta phải viết giấy cam đoan đi theo Quốc trưởng trong tất cả mọi
việc làm! Trong tất cả mọi việc làm! Để sau này lão ta không thể hất hàm
về phía chúng ta mà bảo – bọn ấy có lỗi, còn tôi chỉ đứng ngoài cuộc. Bây
giờ không ai được phép đứng ngoài cuộc! Trung thành hay là chết – một
người Đức ở trại tập trung ra chỉ được phép lựa chọn như thế thôi.” Đấy là
vào năm thứ hai của cuộc chiến tranh: giáo sư bị gọi đến Sở Gestapo để
“trò chuyện”, – mỗi năm giáo sư bị gọi đến Sở một lần, thường là vào mùa
xuân. Thằng cha da ngăm ngăm đen này bước vào phòng làm việc, nơi giáo
sư đang nói chuyện với một tên Gestapo mặc sắc phục. Tên ấy thường làm
nhiệm vụ “trò chuyện” theo kiểu đó. Gã đứng nghe một lát rồi hằn học nói
những lời dễ nhớ như trên. Sau đó, Pleischner đến gặp em trai ông tên là
Hugo, – bấy giờ đang làm bác sĩ trưởng, và không ai ngờ rằng một năm sau
Hugo đã chết. “Đó là thủ đoạn quen thuộc của chúng nó, – Hugo nói, –
chúng muốn trói buộc anh vào một lũ với chúng”...