– Vâng, nói chung thì không có gì phiền phức cả. – Klaus đồng ý. Hắn
cất tiền vào túi sau, – Hồi này chữa bệnh lậu đắt quá, – và hắn cười to.
– Anh hãy nhớ lại một lần nữa xem: có ai nhìn thấy anh ở nhà ông
giám mục không?
– Có gì phải nhớ lại! Không một ai cả...
– Tôi muốn nói cả người của chúng tôi.
– Nói chung thì người của ngài có thể nhìn thấy tôi, nếu họ theo dõi
nhà ở của lão già đó. Song vị tất... tôi không thấy ai cả.
Stierlitz nhớ lại: một tuần trước đây, chính anh đã mặc bộ quần áo tù
khổ sai cho hắn, trước khi đóng vở kịch truy đuổi các tù chính trị chạy qua
cái làng, nơi giám mục Schlag đang sống. Anh nhớ rõ nét mặt Klaus hôm
đó, cách đây một tuần: cặp mắt hắn sáng bừng vẻ hiền hậu và dũng cảm –
hắn đã nhập vai rất đạt. Hôm ấy Stierlitz nói chuyện với hắn bằng giọng
khác hẳn, bởi vì ngồi cạnh anh là một vị linh mục, khuôn mặt ông ta rất
đẹp, có giọng nói sầu thảm và lời lẽ vô cùng chính xác.
– Trên đường tới căn phòng mới của anh, chúng ta sẽ bỏ lá thư này
vào hòm thư, – Stierlitz nói. – Và anh hãy bỏ một bức nữa cho ông giám
mục, để gạt bỏ mọi nghi ngờ. Bức thư ấy anh hãy tự viết lấy. Tôi sẽ không
quấy rầy anh. Để tôi đi pha cho anh một cốc cà-phê nữa nhé.
Khi anh quay lại, Klaus đang cầm một tờ giấy.
– “Trung thực có nghĩa là phải hành động, – hắn vừa cười vừa đọc, –
niềm tin dựa trên cuộc đấu tranh. Tuyên truyền cho lòng trung thực và danh
dự mà hoàn toàn ngồi bó tay là phản bội: phản bội cả con chiên lẫn chính
mình. Con người có thể tha thứ cho thái độ thiếu trung thực của mình,
nhưng con cháu thì không đời nào. Bởi vậy, tôi không thể tha thứ cho tình
trạng ngồi bó tay của mình. Không hành động gì còn tệ hơn cả sự bội phản.
Tôi đi đây. Ngài hãy tự biện bạch lấy. Cầu chúa giúp đỡ ngài.” Viết như thế
có được không, thưa ngài đại tá?
– Hay lắm. Anh cho biết, anh đóng kịch với chính mình phải không?