những đề nghị có giá trị của cấp dưới, ban đầu Schellenberg làm như không
để ý đến chúng và nói lảng sang chuyện khác. Rồi sau đó, một vài ngày, vài
tuần, thậm chí vài tháng, sau khi y đã bổ sung ý kiến của y cho đề nghị đó –
chắc chắn y đã thăm dò thái độ của cấp trên, – y mới nêu ý kiến đó ra,
nhưng bây giờ nó đã là sáng kiến của y, ý đồ của y, chiến dịch của y. Đã
thế, y lại còn tô vẽ thêm cho ý kiến đó, khôn khéo gắn nó với cả một phức
hợp những vấn đề chung của nhà nước quốc xã đến mức không ai có thể
nghi ngờ cái việc ăn cắp thô sơ của y.
Stierlitz tính toán rất đúng: hai tuần sau, Schellenberg bảo anh ở lại,
khi tất cả các nhân viên đều đã rời phòng làm việc của Cục trưởng Cục tình
báo chính trị sau buổi họp thảo luận chiến dịch.
– Anh Stierlitz này, – Schellenberg nói, – hiển nhiên vấn đề ưu thế kỹ
thuật sẽ là yếu tố quyết định trong lịch sử thế giới, nhất là sau khi các nhà
khoa học khám phá được bí mật của hạt nhân nguyên tử. Tôi nghĩ rằng, các
nhà khoa học ở các nước phương Tây lẫn phương Đông đều đã hiểu như
vậy, nhưng các nhà chính trị thì chưa. Chúng ta sẽ chứng kiến sự suy sụp
của nghề làm chính trị trong ý nghĩa mà chúng ta quen thừa nhận suốt mười
chín thế kỷ vừa qua. Khoa học sẽ vạch đường đi tới tương lai cho chính trị.
Hiểu rõ những động cơ trước tiên của các nhà khoa học biết nhìn xa trông
rộng về tương lai, thấy rõ ai là người khích lệ các nhà khoa học đó trong
việc tìm tòi – đó là một nhiệm vụ không phải của ngày hôm nay, hay nói
đúng hơn, không những của ngày hôm nay, mà cái chính là của tương lai.
Bởi vậy, anh cần phải làm việc với nhà vật lý học bị bắt... Tôi quên mất tên
ông ta rồi...
Stierlitz hiểu rằng đó là y muốn kiểm tra. Schellenberg muốn xác định
xem nhà tình báo lỗi lạc Stierlitz có hiểu vì sao y lại nói những điều trên và
ai là người đã gợi ý hay không. Stierlitz im lặng, cau có nhìn các ngón tay
của mình. Anh chịu đựng một khoảng ngừng đúng mức rồi giả vờ ngơ ngác
nhìn Schellenberg. Thế là anh được trao nhiệm vụ làm việc với Runge. Thế
là anh đã thủ tiêu khả năng hiện thực của bọn Đức, – nếu quan điểm của
Runge thắng lợi, thì chúng đã có thể chế tạo bom nguyên tử ngay trong