cho tương lai của đất nước, chống bọn Slav hèn mọn dám cướp đoạt những
vùng đất mênh mông, trong khi chúng không hề biết cách làm ăn; chống
bọn Anh và bọn Pháp đã bị bán rẻ cho bọn thống trị ở bên kia đại dương,
chống bọn Do Thái áp bức dân lành và đầu cơ trục lợi trên nỗi đau khổ của
người khác. Anh ta tưởng rằng thiên tài của Quốc trưởng, người đã nhận
mang gánh nặng ghê gớm là đem lại hạnh phúc cho dân tộc Đức, sẽ chói
chang muôn thuở.
Cứ thế cho đến mùa thu năm 1941, khi quân Đức ca vang hành khúc
diễu binh trên thế giới và không khí chiến thắng làm cho anh ta và các bạn
anh ta trong đơn vị xe tăng SS say sưa, mê mẩn, đôi khi giống những kẻ
dạo chơi mà đầu óc chẳng mảy may vẩn nghĩ. Nhưng sau một trận đánh ở
vùng ngoại vi Moskva, khi bắt đầu phải đối phó với du kích và có lệnh giết
chết tất cả các con tin, Helmut hơi lúng túng. Anh ta vốn là một nông dân,
và anh ta tôn thờ người mẹ cao hơn mọi thứ đáng tôn thờ khác. Người mẹ
đã nuôi dạy Helmut cùng mấy đứa em của anh ta. Sau ngày bố anh ta chết,
bà mẹ làm quần quật từ sáng đến đêm và không cho phép anh ta bỏ học,
ngày nào bệnh tật chưa quật ngã được bà.
Lần đầu tiên khi trung đội của Helmut được lệnh bắn chết bốn mươi
người bị bắt làm con tin ở gần Smolensk – nơi một đoàn tàu của quân Đức
bị lật đổ – thì Helmut bắt đầu uống rượu: trước mắt anh ta là các cụ già và
những người phụ nữ bế con. Những người phụ nữ ấy ôm chặt con vào lòng,
bịt mắt con lại và yêu cầu bọn lính hãy giết chết họ thật nhanh…
Sau đó, anh ta nhận thấy rằng các bà mẹ ở nước Nga cũng giống các
bà mẹ Đức, thường nhường cho con khẩu phần khoai tây cuối cùng của
mình và khi họ nhìn con cái họ ăn uống, mặt họ đẫm nước mắt.
Sau lần xử bắn thứ nhất, Helmut không tài nào tĩnh trí lại được. Không
phải một mình anh ta uống rượu: nhiều người bạn của anh ta lặng lẽ tu rượu
cả chai, và không một ai kể chuyện tiếu lâm, cũng không một ai chơi
accordion nữa. Rồi cả bọn lại lao vào đánh nhau với những người lính Nga
để cơn giận dữ làm cho chúng quên đi cơn ác mộng nọ.