– Xe vận tải à?
– Không. Xe hơi. Màu xanh lá cây...
– Chắc chị không nhớ số xe?
– Tôi không để ý.
– Chuyện này có điều gì không bình thường, – Müller nói và mở cửa.
– Các anh hãy tìm kiếm trong các nhà quanh đây xem... Lạ thật!
– Xung quanh toàn là những ngôi nhà đổ nát.
– Thì tìm trong cái đống đổ nát ấy, – y nói, – nói chung toàn bộ vụ này
ngớ ngẩn và trái khoáy đến mức chẳng còn biết đằng nào mà lần. Chúng ta
không thể hiểu logic của một kẻ không chuyên nghiệp.
– Có thể hắn là một nhà chuyên nghiệp khôn ngoan thì sao? – lão già
tóc bạc vừa châm thuốc vừa nói.
– Một nhà chuyên nghiệp sẽ không mò đến trại trẻ, – Müller nói và
bước ra. Vừa rồi, khi y gọi điện về chỗ Scholz, tên kia có báo tin cho y biết
rằng, căn phòng bí mật ở Bern đã lộ tẩy và người của y ở đó đã bị cảnh sát
Thụy Sĩ bắt giữ, bởi vì người liên lạc Nga mang bức thư mật mã sang đó đã
nhảy qua cửa sổ tự tử.
Sau khi gửi về Berlin cho Stierlitz một tấm bưu ảnh chụp cảnh bờ
sông Lausanne theo đúng lời dặn dò, giám mục Schlag quay về nhà; ông
đang sống ở khu vực nhà thờ Thánh Lavrenty. Khi kể ra những nơi có thể
trú chân, Stierlitz đã nói với ông rằng bọn Gestapo sẽ không mò đến chỗ
này. Căn phòng ông đang ở rộng vừa phải, trần nhà cao, hình vòm cuốn.
Chỉ có cái trần nhà hình vòm cuốn màu trắng, quá trắng, ấy là thứ duy nhất
mang tính chất tu viện trong căn phòng này. Các thứ đồ gỗ ở đây đều sang
trọng và đều được bọc bằng loại vải màu đỏ tươi.
Người ta giải thích với Schlag rằng, căn phòng này dành cho những
người ngoại quốc vì lý do nào đó không thể hay không muốn trú chân ở các
khách sạn. Những người tiếp chuyện vị giám mục nhấn mạnh rằng, những