Ở đây, trên đất Thụy Sĩ này, bầu trời sáng rực và cao xa. Ở mấy chục
mét sau lưng anh, bầu trời cũng sâu thăm thẳm, cũng thấy vầng trăng vàng
ệnh được ánh sáng ban mai rửa sạch như thế, cũng có những cánh chim sơn
ca trên bầu trời xanh nhạt như thế và nó đẹp như thế, nhưng đó là bầu trời
của nước Đức, nơi từng phút có thể xuất hiện những chiếc máy bay trắng
toát, hết sức đẹp đẽ của các nước đồng minh, và từng giây chúng có thể nhả
ra hàng chùm bom, và những chùm bom gieo chết chóc ấy trong khoảnh
khắc đầu tiên trông trắng như nhôm dưới ánh mặt trời và những người ngồi
nín thở trên mặt đất nhìn thấy chúng cứ tưởng như chúng rơi thẳng xuống
đầu mình, chúng chỉ biến đi khi từng khối đất lầy bùn mùa xuân đen ngòm
tung lên, che lấp tầm nhìn của cặp mắt con người – lúc ấy tuy còn sống,
nhưng con người đã bất lực và kiệt quệ...
Stierlitz phóng xe đến Bern. Khi qua một thị trấn nhỏ, anh dừng xe
một lát bên cột đèn hiệu: phía trước, một tốp trẻ em đang vượt sang bên kia
đường, các em vừa đi vừa ăn bánh mì cặp giò. Kat khóc nấc lên.
– Gì thế, Kat? – Stierlitz hỏi.
– Không, – chị đáp, – chỉ vì em được thấy cảnh hòa bình, còn anh ấy
không bao giờ được thấy nữa...
– Nhưng đối với cháu bé thì từ nay mọi tai họa đã chấm dứt. – Stierlitz
nhắc lại câu nói lúc nãy, – và đối với cháu gái kia cũng vậy...
Anh muốn nói với Kat một điều gì thật dịu dàng và âu yếm, anh không
biết diễn tả bằng lời cái tình cảm đang dào dạt trong lòng anh. Đã bao nhiêu
lần anh khe khẽ thì thầm một mình mấy tiếng thật dịu dàng, tha thiết với
Sashenka yêu quý... Lời lẽ yêu thương không được nói ra, chỉ thầm nhắc đi
nhắc lại nhiều lần, nhất định phải thốt lên thành một tiếng thơ hoặc đọng lại
trong đáy lòng như một sức nặng buộc ta phải luôn luôn nghĩ đến.
– Chỉ nên nghĩ đến tương lai, – Stierlitz nói và lập tức hiểu rằng, anh
đã nói một câu hết sức vụng về, không cần thiết.
– Không có quá khứ thì chẳng có tương lai, – Kat trả lời anh và lau
nước mắt, – xin lỗi anh... Em biết rằng, an ủi một người đàn bà đang khóc