của bản thân mình và sự ngu muội của cái dân tộc mà các người đã biến
thành một bầy cừu hèn nhát.
– Rồi hẵng, – Stierlitz lên tiếng. – Kêu thét chưa phải là lý lẽ thuyết
phục. Ông có đề nghị gì cụ thể không nào?
– Ngài bảo sao? – nhà thiên văn sợ hãi hỏi.
Giọng nói điềm tĩnh, từ tốn, xen lẫn nụ cười của Stierlitz đã gây nên
ấn tượng trái ngược đối với nhà thiên văn học: từ lúc bị bắt, ông ta đã quen
nghe những câu thét mắng và những cái tát vào mặt, ông ta đã quen thấy
như thế, chứ chưa được nghe lời nói dịu dàng.
– Tôi hỏi ông có đề nghị cụ thể gì không? Chúng ta làm thế nào để
cứu trẻ em, phụ nữ và các cụ già? Ông khuyên nên làm thế nào để đạt mục
đích đó? Phê phán và nổi giận bao giờ cũng dễ thôi. Dựa vào một chương
trình hành động sáng suốt mới là cái khó.
– Tôi phủ nhận khoa chiêm tinh học, – sau hồi lâu suy nghĩ, nhà thiên
văn học chậm rãi đáp, – nhưng tôi bái phục khoa thiên văn. Người ta đã
triệt bỏ mất khoa thiên văn của tôi ở thành phố Bonn...
– Vì thế mà mày nổi khùng phải không, hở đồ chó? – Holtoff quát to.
– Đợi một chút đã, – Stierlitz nói và cau mày khó chịu, – không nên
quát ầm lên như thế... Mời ông nói tiếp...
– Chúng ta đang sống trong năm mặt trời không yên tĩnh. Những vụ
nổ của các tai lửa, việc truyền thêm một khối lớn năng lượng mặt trời ảnh
hưởng tới các thiên thể, các hành tinh và các ngôi sao, ảnh hưởng tới nhân
loại nhỏ bé của chúng ta...
– Chắc ông nhìn sao trên trời có thể tiên đoán được chuyện gì đó, –
Stierlitz ngắt lời ông ta, – cho nên ông mới điên đầu lên phải không?
– Nhìn sao đoán số chỉ là linh tinh, thậm chí có thể là một giả thuyết
thiên tài nhưng không chứng minh được. Không, tôi xuất phát từ một giả
thuyết thông thường, chứ hoàn toàn không có ý đồ nêu ra một giả thuyết
thiên tài. Đó là mối tương tác giữa mỗi sinh vật sống trên trái đất với mặt