– Sao ngài nghĩ như thế, ngài Stierlitz, – cô gái đáp, – em ở lại có phải
vì mấy thứ thức ăn đâu...
– Em phải lòng tôi à? Em mê tôi quá hay sao? Mái tóc bạc của tôi đã
làm cho em mê muội phải không?
– Trên đời này em thích nhất những người đàn ông tóc đã điểm bạc...
– Thôi được, chuyện tóc điểm bạc thì chúng ta sẽ còn quay lại... sau
khi cô em lấy chồng... Em tên là gì?
– Marie... Em đã thưa với ngài rồi mà... Marie...
– Ừ, phải rồi... mong em tha lỗi. Marie. Maria Madalena. Tất cả các cô
bé tên là Marie đều đầy rẫy tội lỗi, đúng không nào? Em hãy lấy thức ăn đi
và đừng làm dáng nữa. Em bao nhiêu tuổi?
– Mười chín ạ.
– Ồ, một cô gái trưởng thành hẳn hoi rồi. Em từ vùng Saxon đến đây
lâu chưa?
– Lâu rồi ạ. Từ ngày cha mẹ em di chuyển đến đây.
– Thôi đi về nghỉ đi, Marie. Kẻo tôi sợ sắp đến giờ oanh tạc, em đi
đường nguy hiểm đấy.
Cô gái đã ra về. Stierlitz che kín cửa sổ bằng những chiếc rèm ngụy
trang ánh sáng rồi bật chiếc đèn bàn. Anh cúi người về phía lò sưởi và lúc
này mới nhận thấy rằng các thanh củi nhóm lò được xếp hình giếng tròn
đúng như anh thích, ngay mấy miếng vỏ cây bạch dương cũng được để
ngay ngắn trên chiếc đĩa xanh.
“Mình có bảo cô bé làm như thế không nhỉ... Có bảo hay không? Có,
bảo qua thôi. Thế mà cô bé vẫn nhớ, – anh thầm nghĩ trong lúc châm lửa
vào miếng vỏ cây bạch dương, – tất cả chúng ta đều nghĩ đến thế hệ trẻ
theo quan niệm của những ông giáo già, và khách quan nhìn vào thì thấy